Nâng cao văn hóa đi đường để tránh ùn tắc giao thông đô thị
Động lực để Hà Nội “xanh hóa” hệ thống giao thông công cộng Các giải pháp cốt lõi mang tính khoa học và thực tiễn hữu ích |
Các nhà khoa học, các cơ quan chức năng bằng nhiều biện pháp đã và đang nỗ lực để đưa giao thông Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung được thuận tiện hơn, văn minh hơn, phục vụ cho cuộc sống của người dân và sự phát triển của kinh tế, xã hội mỗi địa phương. Tuy nhiên, đó không phải chỉ là câu chuyện của các cấp các ngành mà còn là của chính người dân - những người đang trực tiếp tham gia và thụ hưởng (hoặc chịu đựng) những vấn đề về giao thông mà họ đang hòa mình vào mỗi ngày.
Cuốn sách "Ùn tắc giao thông đô thị" |
Vì thế, văn hóa giao thông - văn hóa con người là một trong những điều mà mỗi người có thể thực hiện thường xuyên, liên tục để đóng góp cho việc cải thiện, phát triển giao thông của nước nhà. Cuốn sách "Ùn tắc giao thông đô thị" cũng góp phần nhận diện và chỉ ra những nguyên nhân để người dân có thể nhìn rõ và thay đổi bản thân, nâng cao ý thức cho những hành trình di chuyển của mình.
Nâng cao ý thức cho những hành trình trọn vẹn
Trong cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị”, nhóm tác giả chỉ ra: “Ý thức tham gia giao thông là một trong những vấn đề nổi cộm đối với giao thông ở Việt Nam nói chung. Tình trạng người tham gia giao thông không tuân thủ luật giao thông, không có ý thức nhường nhịn dẫn đến tình trạng giao thông trở nên hỗn loạn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông, mất an ninh trật tự”.
Ùn tắc giao thông là vấn đề nan giải đối với mỗi đô thị |
Thực tế cho thấy, hàng ngày ở Hà Nội chúng ta có thể bắt gặp vô vàn những thói xấu của những người lưu thông trên đường. Điều đó làm bộ mặt giao thông đô thị trở nên xấu xí và mất an toàn. Để cải thiện tình trạng này, trước hết hãy loại bỏ sự vô ý thức ra khỏi "hành trang" của mỗi người khi đi lại trên đường.
Thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện rất quan trọng. Nó quyết định đến sự an toàn, tâm trạng và sự thành công của mỗi chuyến đi, chặng di chuyển trên đường, dù là dài ngay ngắn, xa hay gần.
Rõ ràng, nếu đi cả chặng đường xa, đi từ đầu này sang đầu kia của thành phố mà gặp những người cũng như mình, vui vẻ, thân thiện thì sẽ hầu như không xảy ra va chạm, tâm trạng mình cũng rất vui vẻ, đi đến nơi, về đến chốn. Còn nếu ai cũng phóng nhanh vượt ẩu, ào ào bất chấp, chỉ muốn "đường là của mình", lấn lướt người khác thì tất nhiên nguy cơ va quệt, tai nạn xảy ra nhiều hơn. Điều đó cũng khiến mình dù có đi từ nhà ra chợ cũng thấy ức chế, khó chịu.
Mỗi người cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông để an toàn cho mình và mọi người (Ảnh minh họa) |
Do đó, sự tử tế, văn minh khi tham gia giao thông là vì người khác nhưng cũng chính là vì bản thân mình. Trong khi đó, nếu không may để xảy ra va quệt, tai nạn, thái độ ứng xử của hai bên và kể cả những người xung quanh cũng rất quan trọng.
Vào những lúc giờ cao điểm, nếu không có sự điều tiết của cơ quan chức năng thì thường là không ai chịu nhường ai, ô tô lấn hết làn của xe máy, xe máy cứ thấy chỗ trống là điền vào, bất kể lòng đường, làn khác hay vỉa hè. Thậm chí, nhiều khi vào giờ cao điểm, người đi bộ còn không có chỗ mà đi.
Có nâng cao ý thức thì an toàn giao thông mới được đảm bảo và cuộc sống chúng ta mới kéo dài, thêm nhiều niềm vui, thêm nhiều thời gian làm việc. Đừng đổ lỗi cho giá cả vận chuyển thấp, do hoàn cảnh khó khăn hay bất cứ lí do gì. Lựa chọn như thế nào là do chúng ta. Sống thế nào là do chúng ta. Chắc chắn rằng ai cũng mong được trở về nhà an toàn sau những giờ lao động và vì thế hãy nhớ đích đến là nụ cười cuối ngày chứ không phải là sự hối hận muộn màng.
Tham gia phương tiện công cộng để giảm ùn tắc giao thông
Trong cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị” nhóm tác giả cũng dành một phần quan trọng để đề cập đến phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Để vấn đề này thành công, góp phần giảm ùn tắc giao thông thì một lần nữa ý thức của người dân về tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng phải tăng lên.
Lựa chọn phương tiện giao thông công cộng vừa đảm bảo an toàn, văn minh vừa tiện lợi. Với hệ thống xe bus chạy khắp nội thành, ngoại thành, kết nối các tuyến giao thông trong khu vực và hệ thống nhà ga xe điện đang tiếp tục hoàn thiện, người dân Thủ đô đang được hưởng lợi ích vô cùng to lớn từ những hiện đại mà Hà Nội đang có được.
Tham gia phương tiện côTích cực tham gia các phương tiện giao thông công cộng cũng là nâng cao văn hóa giao thôngng cộng để giảm ùn tắc giao thông |
Giao thông công cộng là xu hướng, là thói quen văn minh, là lựa chọn thông minh, tiết kiệm cho người đô thị.
Những người còn "khư khư" với những phương tiện di chuyển cá nhân sẽ dần thay đổi quan niệm bởi Hà Nội đang tạo những điều kiện thuận lợi, đổi mới từng ngày với người dân về các phương tiện giao thông công cộng.
Ngày trước, người ta thường có suy nghĩ: Nhà tôi trong ngõ nhỏ, xe bus không chạy qua, phải đi rất xa mới ra được bến xe, chỗ tôi đi làm không tiện chuyến xe, không có chuyến nào chạy qua nhà, phải bắt rất nhiều chuyến, tôi còn phải tạt chỗ nọ chỗ kia...
Ngày nay, đúng như giới trẻ thường nói "thích thì tìm cách, không thích thì tìm lý do", người Hà Nội đã có rất nhiều cách để tận dụng các phương tiện công cộng cho cuộc sống của mình xanh, sạch hơn.
Ý thức sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân ngày càng nâng lên. Tại ga tàu điện, người dân trật tự, lần lượt lên xuống tàu, không chen lấn, xô đẩy. Những người lần đầu tiên đi còn bỡ ngỡ sẽ được nhân viên và cả những người đã thạo hướng dẫn rất nhiệt tình.
Vỉa hè không của riêng ai
Cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị” cũng đề cập: “Quản lý đô thị còn nhiều yếu kém dẫn đến tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông, lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ làm nơi kinh doanh, đỗ xe khiến cho lòng đường bị thu hẹp, gây cảm trở cho các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm”.
Cần chấm dứt các hành vi lấn chiếm vỉa hè, trả lại không gian cho người đi bộ được an toàn |
Với người dân Thủ đô, không gian vỉa hè là một nơi chứa đầy ký ức. Việc sinh hoạt, buôn bán trên những con phố vỉa hè, theo thời gian đã trở thành một nét văn hóa, một đặc trưng khiến người ta nhớ ngay đến Hà Nội. Dù vậy, làm sao để vỉa hè thực sự là không gian văn hoá của người Hà Nội thì rất cần văn hoá của người sử dụng vỉa hè ấy.
Sau rất nhiều lần ra quân “dẹp loạn” vỉa hè, Hà Nội đã chấp thuận việc thí điểm kẻ vạch, chia vỉa hè sao cho thuận lợi với cả người bán hàng và người đi bộ nhưng việc để người dân Thủ đô kinh doanh buôn bán sao cho hợp lý vẫn còn là một bài toán khó.
Bởi dù là nét riêng của văn hóa Hà thành thì vỉa hè vẫn là không gian chung của người dân cả Thủ đô, được xây dựng lên để thuận tiện cho việc di chuyển, đi lại, cũng như tô đẹp cho cảnh quan phố phường, việc một số người dân lấn chiếm, chiếm dụng làm của riêng là cần phản ánh.
Thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo an toàn giao thông cho người đi đường |
Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện những chiếc ghế đá “công cộng” ở Hồ Tây bị chiếm dụng làm chỗ ngồi của hàng trà đá, không mua thì không được phép ngồi. Không biết từ bao giờ, không gian của công, không gian chung lại trở thành “địa bàn riêng” như vậy.
Hay một vài hàng quán “xiên bẩn, xiên que” cũng không cho khách ngồi vì không gian đó đã được họ ấn định là của riêng. Câu chuyện kinh doanh trên văn hóa vỉa hè, có lẽ vẫn cần được bàn bạc lại và cân bằng sao cho phù hợp với nhu cầu chung của người dân cả Thủ đô.
Quan trọng nhất, để vỉa hè trở thành không gian văn hoá thực sự thì chính mỗi người sử dụng vỉa hè phải là những người trân trọng và có ý thức giữ gìn, bảo vệ vỉa hè. Có như thế thì mỗi góc phố, mỗi không gian chung này mới thật sự ghim vào nỗi nhớ người Hà Nội và du khách về một Hà Nội bình dị và sôi động, thơ mộng nhưng cũng đời thực nhất.
Cuốn sách “Ùn tắc giao thông đô thị” của nhóm tác giả: TS Nguyễn Phi Thường - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Đại biểu Quốc hội khóa XV đoàn Hà Nội (chủ biên); PGS, TS Bùi Tiến Thành, TS Đặng Minh Tân; PGS, TS Nguyễn Hoàng Tùng; TS Trần Khắc Dương (Trường đại học GTVT) và Ths Phan Trường Thành (Sở Giao thông vận tải Hà Nội). Bằng những luận cứ khoa học và thực tiễn, cuốn sách đưa ra cái nhìn tổng quát về chủ đề ùn tắc giao thông, nêu lên những thực trạng, nguyên nhân về tình trạng này đồng thời đánh giá về các ưu điểm và hạn chế của những chiến lược đang được đề xuất để khắc phục, từ đó đưa ra những phương hướng giải quyết một cách hợp lý. Nội dung cuốn sách tập trung vào trả lời và tranh luận về các câu hỏi: Tại sao ùn tắc giao thông trở nên ngày một nghiêm trọng hơn? Các biện pháp nào để giảm thiểu tình trạng này? Những giải pháp nào là hiệu quả nhất? Trọng tâm của cuốn sách tập trung vào các khía cạnh về định hướng phát triển của đô thị theo hướng giao thông công cộng, quản lý giao thông đô thị, tổ chức giao thông đô thị cũng như việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, giao thông thông minh trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức giao thông. |