Nâng cao nhận thức, vai trò của cộng đồng trong công tác phòng chống thiên tai
Liên tiếp xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai dị biệt
Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng của diễn biến thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và kinh tế cho người dân. Dù các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai nhưng diễn biến và hậu quả do thiên tai gây ra vẫn ngày càng phức tạp.
Thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho thấy: Trong 10 năm vừa qua, mỗi năm trung bình thiên tai vẫn làm trên 300 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng lớn đến đời sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và sự phát triển bền vững của đất nước với dân số, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, cùng với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao.
Chỉ trong 1 tháng, tại Sơn La đã xảy ra gần 30 trận động đất, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của người dân |
Chỉ riêng trong năm 2020, từ đầu năm đến nay, Việt Nam xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai dị biệt. Đáng chú ý nhất là 8 trận dông lốc và mưa đá, riêng từ ngày 2-4/3, mưa đá với cường độ mạnh đã xảy ra tại Lào Cai, Phú Thọ…
Bên cạnh đó, thiên tai hạn hán tiếp tục xảy ra trên diện rộng ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tại các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng hạn mặn xâm nhập kéo dài được đánh giá nghiêm trọng hơn so với đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016.
Đặc biệt, trận mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung vừa qua đã khiến cho 142 người chết và mất tích, 813 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu bị ngập, hư hại, hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi càng cho thấy thiên tai ở nước ta ngày càng khắc nghiệt, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của Nhân dân.
Trận mưa lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung đã khiến cho 142 người chết và mất tích, 813 ngôi nhà bị hư hỏng nặng |
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trương Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết: Thiên tai ngày càng cực đoan với cường độ lớn, trái quy luật, không theo mùa, vùng tác động rộng ở khắp các vùng, miền trong cả nước.
Trong những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống, ứng phó thiên tai lớn, như: Hệ thống đê điều, hồ đập, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu, thuyền, các tuyến đường giao thông, nâng cấp công tác dự báo... Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ nếu thiếu đi sự tham gia của chính cộng đồng - những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ thiên tai. Do đó, việc cộng đồng phải tham gia vào công tác phòng chống thiên tai là hết sức quan trọng, góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Năm 2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã quyết định chọn "Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai" với chủ đề “Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng”, điều này mang ý nghĩa rất sâu sắc. Nghĩa là chúng ta phải làm sao nâng cao năng lực phòng chống thiên tai từ cộng đồng.
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng
Do tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, khốc liệt cùng với điều kiện chia cắt về mặt địa lý cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, đã và đang đặt các cộng đồng trong môi trường dễ bị tổn thương, người dân là một trong những đối tượng đầu tiên phải đối mặt với các rủi ro thiên tai. Trong khi đó, đối với công tác quản lý rủi ro thiên tai, tiêu điểm luôn là cộng đồng địa phương. Vì vậy, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, nâng cao năng lực của chính quyền trong phòng chống thiên tai là rất cần thiết.
Lý do cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phòng chống thiên tai là vì người dân địa phương hiểu rõ nhất về cộng đồng của họ, biết các thuận lợi, khó khăn, thách thức và nhu cầu của mình khi thiên tai xảy ra; biết cách huy động và gắn kết các thành viên trong cộng đồng với nhau. Điều cần thiết mà người dân mong muốn ở đây là được bổ sung kiến thức, được cập nhật thông tin và được nâng cao nhận thức và kiến thức của mình trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để góp phần làm tăng khả năng chống chịu cho cộng đồng và cho chính gia đình của họ.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra tình hình vận hành hồ thủy điện Hố Hô, huyện hương Khê (Hà Tĩnh) |
Thông qua đào tạo, tập huấn, sẽ giúp cộng đồng hiểu rõ bản chất rủi ro thiên tai. Từ đó, có sự chủ động, chuẩn bị tốt các biện pháp phòng, tránh thiên tai. Cụ thể ở đây là việc người dân chủ động có phương án giảm nhẹ rủi ro thiên tai cấp hộ gia đình. Qua đó, sẽ giúp hộ chủ động chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó khi có thiên tai xảy ra nhằm bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản, các đối tượng dễ bị tổn thương; các biện pháp để tự khắc phục những thiệt hại có thể có nếu thiên tai xảy ra trong khả năng của hộ gia đình trước khi yêu cầu trợ giúp từ bên ngoài.
Bên cạnh đó cũng cần nâng cao ý thức chấp hành của người dân đối với các chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền cơ sở. Chính quyền địa phương cần theo sát, nắm bắt nhu cầu của người dân để có chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn. Qua đó, người dân sẽ có thái độ, hành vi tích cực hơn trong việc hợp tác, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền như chủ động các biện pháp phòng tránh ngay từ khi nhận được tin cảnh báo; sẵn sàng di dời đến nơi an toàn theo lệnh của chính quyền, không ở lại trên lồng bè khi bão đổ bộ …
Việc nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng cũng giúp phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai. Với mỗi cồng đồng mạnh thì phương châm 4 tại chỗ càng phát huy hiệu quả. Tuy vậy, phương châm này ở mỗi một giai đoạn, mỗi cấp, mỗi vùng, đòi hỏi có những đặc điểm khác nhau thì mới đáp ứng được yêu cầu.
Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ tại Quan Sơn (Thanh Hóa) hồi tháng 8/2019 |
Với vai trò to lớn của cộng đồng, nhân dân trong phòng chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13-7-2009 phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Đề án đã tạo ra khuôn khổ hành động và phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cùng các tổ chức trong và ngoài nước.
Trong thời gian qua, Tổng cục Phòng chống thiên tai, các cơ quan ban, ngành, tổ chức quốc tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. Đơn cử như tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho khoảng 1.500 cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh; tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về đánh giá rủi ro thiên tai.
Cùng với đó, Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng xây dựng nhiều tài liệu truyền thông hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. Các tài liệu đã được gửi tới Ban chấp hành Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, đài phát thanh truyền hình các cấp tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến cho người dân. Hiện nay, các tài liệu này đã được đăng tải trên website của Tổng cục Phòng chống thiên tai.
Đặc biệt, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã phổ biến, nâng cao kiến thức về phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai cho học sinh. Triển khai thực hiện toàn diện mô hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng theo nội dung Đề án 1002 tại một số tỉnh miền Trung...
Đội Xung kích Phòng chống thiên tai xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế diễn tập công tác PCTT |
Để thực hiện một cách căn cơ, bài bản, chúng ta cần rà soát, huy động nguồn vốn hợp pháp các chương trình dự án liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 1002. Cơ quan chức năng cần rà soát, sửa đổi, ban hành các chính sách, các quy định để phát huy sự chủ động tham gia của người dân, tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng.
Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng; Đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho những người làm công tác phòng chống thiên tai; tập huấn nâng cao kiến thức cho trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ truyền thông, tuyên truyền cấp cơ sở; Tổ chức đánh giá rủi ro thiên tai có sự tham gia của cộng đồng; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai có sự tham gia của cộng đồng.
Sau mỗi trận thiên tai xảy ra, cần tổng kết, xây dựng các bài học kinh nghiệm; phổ biến, tuyên truyền kịp thời tới cộng đồng để không bị lặp lại thiệt hại cho các thiên tai tương tự. Đặc biệt là đưa kiến thức phòng chống thiên tai vào giảng dạy tại cấp tiểu học.