Nâng cao giá trị điểm đến của Hà Nội với tọa đàm ''Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19''
Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, du lịch với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất |
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2022); Đồng thời, thực hiện chương trình hợp tác giữa Báo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch Hà Nội.
Tọa đàm có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch, chuyên gia kinh tế, các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến... nhằm đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến du lịch Hà Nội và chia sẻ một số mô hình hoạt động hiệu quả sau đại dịch.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Tham dự tọa đàm có: Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì; Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội; Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội; Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội; Ông Ngô Văn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế...
Về phía Báo Hànộimới có: Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách; Các Phó Tổng Biên tập: Lương Chí Công, Mai Thị Kim Thoa, Lại Bá Hà; Trưởng các phòng, ban chuyên môn.
Về phía Hiệp hội Du lịch Hà Nội có ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua.
Tạo môi trường du lịch Thủ đô phát triển tốt nhất
Trước khi diễn ra nội dung tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới và ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã trao đổi Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền giữa hai đơn vị.
Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới cho rằng, kể từ khi Chính phủ đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, du lịch cả nước nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đã từng bước phục hồi, tìm lại đà tăng trưởng. Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu năm 2022 đón khoảng 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Đáng mừng, chỉ đến tháng 8/2022, tổng số khách du lịch nội địa của cả nước đã đạt khoảng 79,8 triệu lượt, cao hơn 19,8 triệu lượt so với mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới phát biểu tại buổi tọa đàm |
Thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, vấn đề gặp khó khăn hiện nay của ngành Du lịch Hà Nội nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung là lượng khách du lịch quốc tế còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Tại Hà Nội, thành phố cũng đặt mục tiêu năm nay sẽ đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế.
Trước việc đón khách quốc tế còn gặp nhiều khó khăn, ngành Du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế. Để góp phần chung tay cùng Chính phủ và các doanh nghiệp trong hành trình phục hồi và phát triển ngành Du lịch, Báo Hànộimới phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” nhằm mục đích trao đổi, chia sẻ những khó khăn, thách thức từ các đơn vị doanh nghiệp, điểm đến, lữ hành.
Từ đó cùng các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc xây dựng sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá cũng như tăng hiệu quả trong việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị, địa phương để cùng nhau nâng cao giá trị điểm đến của du lịch Hà Nội, thu hút du khách đến và lưu trú tại Thủ đô nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế…
Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: Ngành Du lịch cả nước, đặc biệt là ngành Du lịch Thủ đô đang trên đà phục hồi nhanh sau dịch COVID-19 - đây thực sự là điều rất đáng mừng. Mục tiêu để Thủ đô có nhiều sản phẩm du lịch đủ sức quảng bá toàn quốc vẫn chưa đạt được như mong muốn. Vì vậy, tọa đàm trực tuyến này chính là cơ hội để chúng ta đề cập đến sản phẩm du lịch, nhân lực du lịch, các yêu cầu về quảng bá du lịch… bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành Du lịch Thủ đô.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội phát biểu đề dẫn tọa đàm |
Ông Nguyễn Mạnh Thản cũng mong muốn nhận được nhiều tham vấn, thúc đẩy quảng bá trên các phương tiện truyền thông về các sản phẩm du lịch đã có của Hà Nội, xây dựng các sản phẩm trong tương lai, đề xuất những kiến nghị sát thực tiễn để hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển.
Thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Thản hy vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục ký hợp tác với nhiều đơn vị khác, qua đó, du lịch Thủ đô sẽ được truyền thông rộng rãi, được hỗ trợ phát triển toàn diện cả về hạ tầng, giao thông, viễn thông, văn hóa cộng đồng, văn hoá doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực…
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) Lê Hồng Thái cho hay: “Giai đoạn này dịch vụ du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh, chiếm 80% tổng lượng khách. Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.”
Tận dụng nguồn nhân lực ngay trong Nhân dân
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, đầu tư cho du lịch là một trong những định hướng phát triển của huyện Ba Vì với sự hỗ trợ rất lớn từ Sở Du lịch Hà Nội, các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Hànộimới. Trong năm 2019, du lịch Ba Vì đã đón hơn 3 triệu lượt khách, chủ yếu là khách nội địa. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy vậy, trong khó khăn chung của du lịch trong nước và thế giới khi dịch COVID-19 xuất hiện, du lịch Ba Vì cũng chịu ảnh hưởng nặng. Lượng khách sụt giảm 50% trong năm 2020 và tiếp tục sụt sâu vào năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phát biểu tại tọa đàm |
Để đạt được mốc này, Ba Vì xác định tiếp tục thúc đẩy du lịch địa phương thông qua xây dựng mô hình du lịch homestay, tổ chức tọa đàm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp cho mô hình này ngày một hấp dẫn, có màu sắc riêng hơn. Huyện cũng xác định khó khăn lớn nhất hiện giờ của du lịch địa phương là về sản phẩm du lịch và vấn đề nhân lực. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, tận dụng nguồn nhân lực ngay trong nhân dân sẽ là giải pháp ứng phó phù hợp cho giai đoạn này.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đanh giá rằng, trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do COVID-19, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang tiếp tục cho thấy là điểm đến an toàn, ứng phó tốt với những biến chuyển của dịch bệnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Điều quan trọng là chúng ta phải kết nối các dịch vụ du lịch, tiếp tục ứng phó linh hoạt với dịch bệnh...
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế chia sẻ tại tọa đàm. |
Cũng phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Hoàng cho hay Hà Nội là một trong những địa phương có số hội viên Hội Nông dân đông thứ ba cả nước, với gần nửa triệu hội viên. Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội khá lớn. Vì vậy, để giúp các hộ nông dân chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp đơn thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp kết hợp với du lịch, cần thực hiện từng bước.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội cần tiếp tục phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; Đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong quá trình làm du lịch hậu COVID-19 về cả sản phẩm, công tác tiếp thị, quy trình quản lý...