Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có tay nghề
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 – 2025; định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 UBND tỉnh Bình Dương ban hành, các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời đưa vào nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch hàng năm để triển khai đảm bảo đạt tiến độ và hiệu quả các nội dung.
Giáo viên trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore (tỉnh Bình Dương) hướng dẫn sinh viên thực hành tiện |
Song song đó, thực hiện xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với mục tiêu giải quyết căn bản yêu cầu biên chế và lao động hợp đồng của các cơ quan phù hợp với vị trí việc làm, quy mô dân số và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đội ngũ công chức làm việc trong các ngành, lĩnh vực trực tiếp tiếp xúc với tổ chức và người nước ngoài như thu hút đầu tư, công thương, xúc tiến thương mại, ngoại vụ phải thông thạo một ngoại ngữ; tỷ lệ giáo viên các trường THPT có trình độ sau đại học đạt 25%; tỷ lệ giáo viên các trường cao đẳng có trình độ sau đại học đạt 35%; tỷ lệ 10 bác sĩ/1 vạn dân.
Đồng thời, thu hút lao động có trình độ cao và đào tạo theo đơn đặt hàng với mục tiêu bổ sung nhân lực có trình độ, năng lực thực tiễn, kinh nghiệm mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có của tỉnh còn thiếu và chưa đáp ứng được trong quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tạo tiền đề cho giáo dục đại học, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới; hợp tác quốc tế để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Những giải pháp tâm huyết nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương từ một tỉnh thuần nông trở thành thủ phủ công nghiệp và hiện đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Bình Dương cho biết, tỉnh đã xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công chứ không chỉ dừng ở công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những thế mạnh giúp địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Khu Công Nghiệp Sóng Thần tại tỉnh Bình Dương |
Hiện tại, Bình Dương có 108 cơ sở giáo dục dạy nghề, trong đó có 7 trường cao đẳng và cao đẳng nghề, 1 phân hiệu cao đẳng Đường sắt phía Nam, 10 trường trung cấp, 19 trung tâm giáo dục dạy nghề và 71 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục dạy nghề.
Năm 2021, tuy bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài nhưng toàn tỉnh đã tuyển sinh được 34.873 người đạt tỉ lệ 87,2% kế hoạch năm (trong đó, cao đẳng là 1.639 sinh viên, trung cấp là 4.234 học sinh, còn lại là sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng).
Qua thống kê, tỷ lệ học sinh, sinh viên, người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp tại Bình Dương đạt khoảng 90%.
Trong đó, một số ngành nghề thuộc khối kỹ thuật có số lượng học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ cao, một số trường đạt 100%, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng ngay khi các em còn đang thực tập.
Tuy vậy, trên thực tế số lượng người tham gia học nghề vẫn còn ít so với cơ cấu trình độ lao động hiện nay. Việc phân luồng học sinh trung học cơ sở đi học nghề còn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; chú trọng giới thiệu và định hướng ngành nghề phát triển trong tương lai của kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0 (các ngành trong lĩnh vực công nghệ, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin…) ở bậc phổ thông nhằm mục tiêu ươm mầm nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ đáp ứng cho nhu cầu phát triển của địa phương đến năm 2045.
Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các trường đại học của địa phương tập trung nguồn lực phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao, phát triển đô thị, quản trị, quản lý, kinh tế, chính sách, khoa học sức khỏe… để phục vụ triển khai các đề án thành phố thông minh và vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương.