Gắn kết “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác dạy nghề
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020, tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho lao động chiếm rất thấp (tỷ lệ chung là 36,29% và thấp nhất là các doanh nghiêp ngoài nhà nước 30,18%).
Do đó, trong năm 2021 - 2022, Việc phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo cũng đã đi vào chiều sâu khi Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã có Công văn số 304/TCGDNN-ĐTCQ đề nghị các trường tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên năm cuối đến doanh nghiệp thực hành, thực tập và tham gia vào các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã triển khai việc thúc đẩy nhiều hoạt động gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu lao động.
Hợp tác đào tạo giữa trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội và các doanh nghiệp |
Ông Phạm Xuân Khánh, Phụ trách Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho biết: "Hiện nhà trường có những chương trình gắn kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước để bảo đảm đầu ra cho sinh viên. Đặc biệt có những doanh nghiệp lớn như Hanwha đang gắn kết với nhà trường để đào tạo 800 kỹ sư thực hành, sẵn sàng trả toàn bộ học phí cho học viên được tuyển chọn và ký hợp đồng ngay từ khi tuyển sinh.
Vì vậy, việc phối hợp đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng cần sự phối hợp một cách cởi mở và cầu thị để phù hợp với yêu cầu của cả hai bên để đào tạo đúng chuẩn, đúng xu hướng thị trường lao động và nhu cầu doanh nghiệp".
Hiệu quả của mô hình Hội đồng quản lý kỹ năng nghề
Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Một trong những chủ đề hiện nay các đối tác quốc tế quan tâm, cũng là trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới là thúc đẩy sự gắn kết hơn nữa giữa doanh nghiệp, các bên liên quan với giáo dục nghề nghiệp thông qua mô hình hội đồng kỹ năng ngành, hoặc các mô hình tương tự”.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, trong 8 nhóm giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn tới, giải pháp đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp là một trong những giải pháp, nhiệm vụ quan trọng được tập trung ưu tiên triển khai sớm.
Tuy nhiên, các hoạt động liên kết, phối hợp còn hạn chế. Sự tham gia của các bên liên quan trong giáo dục nghề nghiệp còn chưa thật sự hiệu quả. Do đó, việc sự báo nhu cầu kỹ năng, lao động nhằm định hướng cho công tác đào tạo thực sự là một thách thức.
Chính vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng trong giải pháp gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động là “Thí điểm thành lập một số hội đồng kỹ năng nghề/nhóm nghề trọng điểm trong giai đoạn 2021 – 2025; trên cơ sở đánh giá, tổng kết sẽ mở rộng cho các nghề/nhóm nghề khác trong giai đoạn 2026 – 2030”.
Ảnh minh họa |
Việt Nam cũng đang phối hợp với một số quốc gia trong đó có Đức để tiến hành xây dựng Hội đồng kỹ năng ngành và nâng cao kỹ năng cho người lao động trong từng lĩnh vực.
Chia sẻ về mô hình Hội đồng kĩ năng, bà Afsana Rezaie, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới giáo dục nghề nghiệp Việt Nam khẳng định, việc gắn kết doanh nghiệp được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm trong phát triển nghề nghiệp.
“Sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc tư vấn và triển khai các chính sách về GDNN còn thấp. Sinh viên tốt nghiệp GDNN hiện chưa có đầy đủ kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phù hợp với ngành. Sự phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi kinh tế bền vững đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần thiết phải thành lập Hội đồng kĩ năng”, bà Afsana Rezaie nhận định.
Theo bà Afsana Rezaie, thành viên Hội đồng kĩ năng gồm có người sử dụng lao động, hiệp hội ngành nghề, phòng thương mại; đại diện người lao động, công đoàn; các cơ quan bộ ngành chính phủ; các cơ sở GDNN và các cơ quan chuyên môn.
Hội đồng kỹ năng có chức năng tư vấn cho chiến lược và xây dựng chính sách GDNN; hỗ trợ thông tin thị trường lao động – dự báo kỹ năng; xây dựng và cập nhật trình độ và tiêu chuẩn nghề nghiệp; tạo điều kiện hợp tác giữa các cơ sở GDNN, học viên và nhà tuyển dụng (ví dụ tập nghề, đào tạo tại doanh nghiệp…); cùng tham gia tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ cho học viên và người lao động; tạo điều kiện việc làm cho sinh viên tốt nghiệp; hỗ trợ đảm bảo chất lượng của các nhà cung cấp đào tạo, các khoá học và người đánh giá.
Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cho rằng, Việt Nam sớm bổ sung, hoàn thiện chính sách và giải pháp ứng phó nhằm khắc phục các khó khăn mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang gặp phải và sớm đóng góp trực tiếp vào dự thảo Đề án Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.