Nam sinh mặc cổ phục đến trường: Lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc
Nam sinh trường THPT Bắc Duyên Hà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm 2022 |
Đưa cổ phục vào đời sống hiện đại
Lộc bắt đầu mặc cổ phục đến trường từ cách đây 2 năm. Ban đầu mọi người thấy lạ lẫm, dò xét nhưng đã dần quen.
Lộc kể: “Khi còn là học sinh THPT, mình luôn thắc mắc: Việt Nam ngoài áo dài khăn đóng, áo tứ thân ra còn trang phục nào khác? Vì câu hỏi đó, mình đã dành thời gian tìm hiểu về trang phục cổ, xuất xứ, nguồn gốc... Mình rất tự hào khi trang phục cổ của Việt Nam đa dạng, cầu kì và tinh tế, tính thẩm mĩ cao, có thể sánh ngang với các trang phục như Kimono, Hanbok hay Hán phục”.
Phùng Thế Gia Lộc |
Tuy nhiên, Lộc thấy tiếc vì đa phần mọi người không biết điều này. Vì thế, chàng trai trẻ quyết định mặc những trang phục này đến trường để mọi người biết đến cổ phục của Việt Nam nhiều hơn ngoài áo tứ thân, áo dài, khăn đóng. Lộc hy vọng, từ hành động này sẽ có nhiều người sẵn sàng mặc những trang phục truyền thống trong các ngày bình thường và dần phổ biến vào các dịp lễ quan trọng.
Đó là lý do bạn bè và thầy cô thấy Lộc xuất hiện trong những bộ cổ phục vào thứ hai đầu tuần. Trong các dịp quan trọng (đi sự kiện, ăn cưới…), ưu tiên hàng đầu của chàng trai trẻ cũng là trang phục cổ. Ngoài ra, Lộc còn diện chúng khi đến những nơi công cộng.
Tạo sự khác biệt nhưng Lộc không nghĩ mình là kẻ “lập dị”. Chàng trai trẻ cũng cho rằng nếu ai có ý nghĩ dèm pha hay chê trách là do họ không hiểu biết về trang phục truyền thống của nước nhà.
“Về cơ bản, cổ phục cũng giống như trang phục bình thường. Cá nhân mình không quá dành ưu ái cho cổ phục hay bất chấp mặc chúng vào những thời điểm không thích hợp. Còn khi đã mặc, mình luôn chọn màu sắc, hoa văn tinh tế cũng như nổi bật để mọi người thấy rõ dân tộc ta có những trang phục đẹp và độc đáo như thế nào”, Lộc chia sẻ.
Lan tỏa tình yêu cổ phục
Với Lộc, mặc cổ phục cũng chính là cách tốt nhất giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Chàng trai trẻ cho rằng, trách nhiệm bảo tồn trang phục dân tộc không phải là nghĩa vụ riêng của các nhà bảo tồn văn hoá? Tại sao nữ sinh mặc áo dài là nghĩa vụ trong khi nam sinh thì lại phản đối?
Cuối năm 2020, khi có dư luận tranh cãi về việc nam sinh mặc áo dài đi học thì Lộc vẫn quyết định tiếp tục làm điều này. Lúc đó, những hình ảnh của Lộc được chia sẻ khắp các diễn đàn, hội nhóm trên Facebook và nhận được nhiều quan tâm.
Tuy nhiên, Lộc cũng không tránh khỏi việc phải đối mặt với những lời bình luận, phán xét tiêu cực trên mạng xã hội. Chàng trai trẻ đã chọn cách không bận tâm quá nhiều, bởi đơn giản “nếu quan tâm những lời nói đó thì mình đã không dám mặc ngay từ đầu”.
Hơn nữa, Lộc cho rằng mỗi cá nhân không bắt buộc phải làm đại sứ quảng bá văn hoá nhưng chí ít phải hiểu,biết đâu là trang phục truyền thống của dân tộc mình để có thái độ và góc nhìn đúng đắn.
“Đưa cổ phục quay trở lại với thời hiện đại không có nghĩa là phải mặc chúng mọi lúc mọi nơi mà chỉ cần đúng thời điểm, mục đích trên tinh thần quảng bá. Từ đó, những sản phẩm của dân tộc được người dân biết đến rộng rãi hơn chứ không phải chỉ nằm trong sách vở hay phòng trưng bày bảo tàng”, Lộc nói.
Chứng kiến những lần Lộc mặc những trang phục "khác với số đông" như vậy, thầy cô, bạn bè không khỏi thấy "lạ mắt". Tuy nhiên, lâu dần, mọi người cũng đã quen với phong cách của Lộc. Thậm chí, nhiều bạn bè còn hỏi chỗ may hoặc thuê.
Điều này khiến Lộc cảm thấy những lần mặc cổ phục đã được cộng đồng công nhận. “Mình còn vui hơn khi điều mình làm đã phần nào tác động đến nhận thức của mọi người về trang phục truyền thống Việt Nam. Mình tin, không chỉ mình mà ngày càng có nhiều bạn trẻ khác sẽ dành tình yêu cho cổ phục dân tộc”, Lộc tâm sự.