Mang tiếng nói của cử tri tới nghị trường Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội chúc Tết gia đình các nguyên Chủ tịch Quốc hội Tiếp tục đổi mới hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội Chủ tịch Quốc hội trao quà Tết tới lao động khó khăn tại tỉnh Gia Lai |
Đây là “diễn đàn” quan trọng giúp ĐBQH trực tiếp lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết để tổng hợp, chuyển tải tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề còn bất cập, chồng chéo trong thực tiễn cuộc sống; đồng thời qua đó giúp Quốc hội sửa đổi cơ chế, chính sách, đảm bảo mọi quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội luôn chú trọng thực hiện các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề nhằm đảm bảo mọi quyết sách của Quốc hội đáp ứng thực tiễn |
Kênh thông tin quan trọng giúp làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt trọng trách của người đại biểu dân cử, một trong những vấn đề trọng tâm được Đoàn ĐBQH TP Hà Nội xác định là nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri. Đây là kênh thông tin giúp Đoàn ĐBQH nắm chắc từ sớm, từ xa tình hình thực tiễn của địa phương; để hiểu cử tri mong muốn gì ở cơ quan dân cử và ở các quyết sách... Đồng thời, qua hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ giúp ĐBQH lắng nghe, tiếp thu các ý kiến tâm huyết để tổng hợp, chuyển tải tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định.
Với quan điểm đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Ban thường trực Uỷ ban MTTQ TP và các cơ quan tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc tri thường kỳ và chuyên đề với nhiều cách làm sáng tạo. Riêng năm 2023, Đoàn đã phối hợp tổ chức 4 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề.
Cụ thể, phối hợp với Công an TP tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội”; Phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); Phối hợp với Liên đoàn Lao động TP và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri với cán bộ đoàn viên công đoàn là người lao động Thủ đô lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi); Phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự” tại Đồn Biên phòng Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn TP Hà Nội” |
Trong đó, xác định nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) là nội dung rất quan trọng, có tác động, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, tháng 8/2023, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Tại “diễn đàn” này, các ý kiến phát biểu đã tập trung vào 8 nhóm vấn đề vướng mắc từ thể chế, quy định, khoảng trống pháp lý khi có những loại hình kinh doanh mới; một số ý kiến cử tri nêu về bất cập trong tổ chức thực hiện khi hướng dẫn của từng Bộ, ngành riêng; phân cấp, giao quyền trong lĩnh vực PCCC; quy định về hệ thống kinh doanh xăng dầu, khí hoá lỏng,…
Chia sẻ những khó khăn trong công tác khắc phục vi phạm về PCCC, chủ một cơ sở kinh doanh karaoke tại phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cho rằng, việc phải thiết kế, trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà với yêu cầu trữ lượng bể nước tính toán trong 3 giờ dẫn tới rất nhiều khó khăn cho cơ sở. Trong khi đó, đại diện Ban Quản trị chung cư Mulberry Lane (quận Hà Đông) nêu thực tiễn, trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác PCCC và CNCH chưa rõ ràng, chưa sâu sát, dẫn đến khi có sự cố cháy xảy ra, chủ đầu tư hầu như không có trách nhiệm gì. Đại diện một Công ty xăng dầu thì cho hay, hiện nay, các văn bản quản lý về PCCC đối với công trình xăng dầu còn chung chung dẫn đến rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến doanh nghiệp cho rằng, các quy định về thành lập đội PCCC chuyên ngành và trang bị xe chữa cháy chuyên dụng không phù hợp với các khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư, đi vào hoạt động trước thời gian pháp luật điều chỉnh. Do đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trong Luật Phòng cháy, chữa cháy và các nghị định, thông tư liên quan cho phù hợp.
Cử tri là người lao động Thủ đô góp ý vào các dự án luật tại Hội nghị “tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao đông Thủ đô, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)” |
Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, một số ý kiến rất sát thực tiễn, truyền tải được những khó khăn, vướng mắc với nhiều loại hình nhà ở, kinh doanh, những khu vực, địa bàn đặc thù… mà văn bản quy định còn chưa cập nhật hoặc chưa quy định cụ thể. Nhiều ý kiến rất tâm huyết, cụ thể, không dừng lại ở kiến nghị mà đã còn đề xuất sát với tình hình địa phương, đất nước. Thực hiện trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH đã gửi 36 vấn đề liên quan tới nội dung này tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Tiếp đó, tháng 10/2023, trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH TP đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP tổ chức Hội nghị “tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao đông Thủ đô, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)”.
Theo đó, nhiều ý kiến liên quan mật thiết tới công nhân, lao động đã được tham góp. Như đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri đóng góp ý kiến về điều kiện hưởng lương hưu là đủ 60 tuổi đối với lao động nam và 55 tuổi đối với lao động nữ. Vì với người lao động, đặc biệt là lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, ngoài 50 tuổi sức khỏe đã giảm sút, năng suất lao động sẽ không cao.
Cử tri cũng đề nghị bổ sung quy định: “Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội”; đề nghị xem xét giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai |
Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cử tri cho rằng cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội và trong Luật cần có một điều khoản mới quy định về nội dung mức giá trần cho nhà ở xã hội. Cử tri đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng được mua nhà ở xã hội tại Điều 73 dự thảo: “Mọi công dân đến tuổi trưởng thành chưa có nhà ở hoặc không có khả năng tạo lập về nhà ở đều là đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội”…
Góp phần đổi mới không ngừng hoạt động Quốc hội
Là một trong những cử tri tham gia Hội nghị “tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên Công đoàn, người lao đông Thủ đô, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)”, chị Hà Thị Phương Anh, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy bày tỏ: Cùng với việc nêu lên các đề xuất, kiến nghị, hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề giúp cử tri hiểu sâu, hiểu rõ thêm các khía cạnh khác nhau của vấn đề. Cử tri cũng ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm trong tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri trong các kiến nghị, phản ánh với ĐBQH; qua đó quan tâm hơn đến hoạt động của Quốc hội, ĐBQH nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai: Đoàn ĐBQH TP Hà Nội hiện nay có 31 đại biểu. Việc lấy ý kiến góp ý của chuyên gia, các ngành, đơn vị, cử tri có liên quan là một trong những cơ sở quan trọng giúp các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham khảo để phát biểu thảo luận và biểu quyết thông qua các dự án Luật tại kỳ họp.
Đaị biểu Quốc hội TP Hà Nội phát biểu tại kỳ họp Quốc hội |
Không phải là cuộc tiếp xúc cử tri mang tính định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, các cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề là diễn đàn quan trọng, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề khó còn nhiều ý kiến khác nhau. Đây cũng là việc thể hiện đổi mới không ngừng hoạt động của Quốc hội trong việc lắng nghe các ý kiến của cử tri, để từ đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người dân. Điều này một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán rằng “mọi quyết sách của Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm” như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhấn mạnh.
“Các hội nghị lấy ý kiến vào dự luật là cơ sở rất quan trọng để các đại biểu Quốc hội trong Đoàn thu thập thông tin, nghiên cứu và đưa ra những ý kiến sâu sắc tại nghị trường, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng dự án luật và thành công của kỳ họp Quốc hội”- Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội khẳng định.
Theo dõi nghị trường Quốc hội trong năm qua, có thể thấy, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn TP Hà Nội luôn là những người tích cực trong đóng góp ý kiến, thể hiện chính kiến với tinh thần trách nhiệm cao tại các phiên thảo luận. Điển hình như con số thống kê tại Kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã có đã có 121 lượt phát biểu ý kiến tại tổ và tại hội trường; tại kỳ họp thứ 6, đã có 88 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại tổ và tại hội trường về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ |
Với trí tuệ và trách nhiệm của mình, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã tạo những dấu ấn từ những phát biểu ấn tượng, bày tỏ tâm huyết với vấn đề mình đưa ra, làm "nóng" nghị trường, được Nhân dân và cử tri quan tâm.
Tại các phiên chất vấn các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ, các đại biểu trong Đoàn TP Hà Nội đã đặt vấn đề thẳng thắn, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng cử tri. Như tại kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã có 12 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận tại hội trường. Tại kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có 9 đại biểu chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành và ý kiến tranh luận của đại biểu.
Với những kết quả đã đạt được, sự gắn bó mật thiết, trăn trở trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân Thủ đô, từng đại biểu Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã và đang góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm là người đại biểu dân cử.