Lợi nhuận thuần năm 2019 tăng 13% so với năm 2018
Khách hàng mua thịt mát Meat Deli của Masan tại siêu thị
Bài liên quan
Khánh thành cầu Khang Phúc - Masan Consumer góp phần phát triển nền kinh tế tỉnh Tiền Giang
Masan tạo dấu ấn với chiến lược M&A để phát huy thương hiệu Việt
Masan Consumer tổ chức hoạt động thiện nguyện Tết trẻ em
Sau thương vụ bom tấn, Masan MEATLife hút nhà đầu tư ngay trong ngày đầu niêm yết
Masan bắt tay Vingroup: Bán lẻ nội địa lật ngược thế cờ
VinMart, Masan và “phương trình” người Việt dùng hàng Việt
Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group trong năm 2019 đạt 37.354 tỷ đồng, giảm 2,2% so với mức 38.188 tỷ đồng.
Theo MSN, lý do doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn sụt giảm nhẹ trong năm 2019 là do doanh thu thuần của Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) giảm 31,4% trong năm 2019, xuống 4.706 tỷ đồng do giá vonfram giảm 22% và trì hoãn việc bán đồng, tuy nhiên được bù đắp một phần nhờ doanh số bán Florit cao hơn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi đối với hoạt động kinh doanh thức ăn gia súc, doanh thu năm 2019 của Công ty cổ phần Masan MeatLife giảm 1,3%, đạt 13.799 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự sụt giảm của thức ăn gia súc được bù đắp nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản. Theo Masan, ngành thịt sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng năm 2020.
Trong khi đó, doanh thu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) đạt 18.845 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2018 (Nếu loại trừ tác động của việc thay đổi chính sách giá từ chi phí khuyến mãi sang giảm giá bán hàng trực tiếp, doanh thu của MCH có thể đạt tăng trưởng 10% so với năm trước). Các phát kiến ra mắt năm 2019 đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên chưa đóng góp vào doanh thu năm 2019 theo kế hoạch.
Trong năm 2019, lợi nhuận thuần hợp nhất phân bổ cho cổ đông trong các hoạt động kinh doanh chính tăng 12,7% lên mức 3.907 tỷ đồng trong năm 2019, so với mức 3.477 tỷ đồng trong năm 2018.
Lợi nhuận thuần hợp nhất phân bổ cho cổ đông trong năm 2019 là 5.557 tỷ đồng, tăng 13,0% so với mức 4.916 tỷ đồng trong năm 2018.
Quý IV/2019, MCH - Masan Consumer Holdings đạt tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước |
MSN cho biết, EBITDA mảng thức ăn chăn nuôi của MML tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào tăng trưởng doanh thu hai chữ số ở mảng thức ăn thủy sản và thức ăn gia cầm. Chiến lược mua hàng giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện lên mức 16,4% trong năm 2019 so với mức 15,0% trong năm 2018.
Trong khi đó, MCH tối ưu hóa chi phí marketing và khuyến mãi do tăng trưởng doanh thu không đạt kỳ vọng cả năm, biên EBITDA tăng 89 điểm cơ bản (bps) từ 24% vào năm 2018 lên mức 25% vào năm 2019.
Còn MRS, lợi nhuận mảng kinh doanh chính giảm, nhưng được bù đắp bởi khoản thu nhập bất thường đến từ vụ kiện Jacobs tại trọng tài quốc tế.
Chung cho cả Tập đoàn, MSN tiết kiệm 28,8% chi phí tài chính hợp nhất.
Năm 2019, MSN cũng tạo những dấu ấn lớn trên thị trường thông qua các thương vụ mua bán, sáp nhập lớn.
Cụ thể, ngày 31/12/2019, hoàn tất sáp nhập MCH và VinCommerce (VCM) để thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. MSN là cổ đông sở hữu đa số cổ phần (nắm 70% cổ phần) của công ty mới. Công ty mới sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần MCH và 83,7% cổ phần VCM. VCM hiện đang vận hành 134 siêu thị Vinmart, 2.888 cửa hàng Vinmart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi. Masan sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động của công ty mới.
Cũng trong tháng 12/2019, một công ty con của MCH đã đưa ra đề nghị chào mua công khai đến 60% cổ phần của công ty NET – với mức định giá 46 triệu USD, tương đương với mức 19 lần P/E (theo số liệu tài chính năm 2018).
Thương vụ sáp nhập MCH và VCM là thương vụ tiêu biểu cuối năm 2019 |
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Masan Group cho biết, không phải ai cũng đồng tình với thương vụ sáp nhập VCM vừa qua, nhưng đây là bước nhảy vọt mang tính cách mạng của Masan. Hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng đối với người tiêu dùng, tuy nhiên việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới và khả năng phục vụ người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi đang trở thành những nhu cầu cơ bản.
Chính vì vậy, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của VCM với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống trên toàn quốc của Masan tạo ra lợi thế vượt trội để chúng tôi xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng.
“Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ tập trung vào các nhu cầu cơ bản hàng ngày, nhưng trong tương lai, đó sẽ là một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Nhưng trên hết, chúng tôi sẽ xây dựng một thương hiệu mạnh, thể hiện được giá trị xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu dùng để khách hàng thêm tin tưởng và yêu mến. Nhiều người nói "ngành bán lẻ là một sân chơi hoàn toàn khác", nhưng đối với chúng tôi, tất cả đều bắt đầu bằng việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm và cung cấp các giải pháp vượt trội cho người tiêu dùng, và đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi. 2020 là năm chúng tôi sẽ hiện thực hóa tầm nhìn này, không chỉ tập trung vào các kế hoạch dài hạn, mà còn nỗ lực mang đến giá trị vượt trội cho người Việt Nam và các cán bộ công nhân viên Masan”, ông Quang chia sẻ.
MSN cũng đưa ra dự thảo kế hoạch kinh doanh năm 2020, trong đó, doanh thu thuần năm 2020 của MCH dự kiến tăng 10-15%. Động lực tăng trưởng chính là đẩy mạnh xu hướng cao cấp hóa danh mục sản phẩm trong ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện lợi, tăng trưởng mạnh mẽ hai chữ số ở ngành hàng đồ uống, chăm sóc cá nhân và gia đình.
Với VCM, doanh thu năm 2020 dự kiến đạt 45.000 – 48.000 tỷ đồng, mục tiêu EBITDA từ mức -3% đến hòa vốn.
Còn với MML, doanh thu thuần dự kiến tăng trưởng hơn 20%. Thịt mát được kỳ vọng đóng góp từ 20-25% doanh thu thuần hợp nhất của MML. Mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng từ mức cao của một chữ số đến mức thấp của hai chữ số nếu tốc độ tái đàn heo tại Việt Nam cao hơn.
Trong khi đó, MSR dự kiến doanh thu thuần năm 2020 sẽ vào khoảng 5.500 - 6.000 tỷ đồng, chưa bao gồm việc hợp nhất dự kiến từ HC Starck sau khi giao dịch hoàn tất. Ban điều hành kỳ vọng giá vonfram năm 2020 sẽ đạt 260 USD/MTU nếu không có biến động về giá khoáng sản so với năm 2019.