Lợi ích quốc gia, dân tộc là mục tiêu cao nhất của đối ngoại
Các ý kiến tham luận chung nhận định, trong những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của quá trình đổi mới, hoạt động đối ngoại đóng góp lớn vào việc tạo lập, gìn giữ môi trường hòa bình cho phát triển, thiết lập và đưa vào chiều sâu quan hệ với tuyệt đại bộ phận các nước trên thế giới.
Trong đó có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước lớn, các đối tác quan trọng khu vực; Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế và sự tín nhiệm với Việt Nam ở các cơ chế quốc tế quan trọng và tranh thủ nguồn lực bên ngoài quan trọng cho phát triển đất nước.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga phát biểu tham luận tại Hội nghị |
Theo Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, 10 năm qua thực hiện cương lĩnh bổ sung của năm 2011 là giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa quan hệ với các đối tác vào chiều sâu. Công tác đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Nhân dân, được mở rộng và thực hiện đa dạng, qua các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của các địa phương.
Các đại biểu cũng nhận định, hội nghị đối ngoại được tổ chức lần đầu tiên với quy mô toàn quốc cho thấy sự quan tâm, chú ý đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác đối ngoại sau khi Đại hội XIII đã xác định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Về nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho rằng, phải triển khai đồng bộ, hiệu quả dựa trên ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.
Trong đó, đối ngoại Nhân dân vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý giá của đối ngoại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, hơn lúc nào hết đối ngoại Nhân dân phải phát huy tiềm lực, vị thế của đất nước, ưu thế để đi đầu xây dựng, củng cố lòng tin, nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác với các nước; Tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, tạo lập môi trường hòa bình, thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ giữa các quốc gia, hỗ trợ đắc lực, hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước…
Còn théo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Đại hội XIII đã xác định rõ định hướng bao trùm của đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài, phục vụ cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham luận tại Hội nghị |
Trong giai đoạn hiện nay, lợi ích quốc gia – dân tộc cao nhất là phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; Bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ anh ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nền văn hóa dân tộc.
Để thực hiện những định hướng lớn nói trên, Đại hội XIII đã đề ra chủ trương “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột là: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Chủ trương mới này phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng là một yêu cầu mới vừa mang tính chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với đối ngoại và ngành ngoại giao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, là lực lượng chủ lực trên mặt trận đối ngoại, ngành ngoại giao quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, đường lối của Đảng, phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, thực hiện tốt các phương hướng, nhiệm vụ nhằm hướng tới xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.