Lợi dụng nới lỏng, vỉa hè kín xe và thực khách
Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc đào đường, vỉa hè Xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố để trông giữ phương tiện Hà Nội: Chợ cóc vẫn hoạt động bất chấp lệnh cấm |
Từ 6h ngày 14/10, Hà Nội cho phép hàng ăn, uống được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ nhưng phải đảm bảo không quá 50% công suất và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn.
Mặc dù quy định của TP đã rõ ràng song theo ghi nhận của phóng viên tại nhiều tuyến phố thuộc địa bàn phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), một số hàng quán vẫn thản nhiên cho khách ăn trên vỉa hè, không có tấm chắn, bất chấp lệnh cấm.
20 giờ ngày 23/10, tại phố Yên Phụ, hàng quán vỉa hè bày bán như chưa từng có lệnh cấm.
Dù có không gian trong nhà nhưng một cửa hàng bán đồ nướng vẫn bày bán ở bên ngoài, thậm chí còn mượn vỉa hè của các nhà, hàng quán bên cạnh để kê thêm bàn ghế. Lượng khách ăn quá đông so với không gian bên trong nên quán đồ nướng này thường phải nhờ khách ngồi ra vỉa hè. Điều này không có gì lạ vào ngày thường.
Các bạn trẻ ngồi sát nhau tại quán Chất nướng (46 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội) |
Thực tế cho thấy khách đến ăn được sắp xếp ngồi ra ngoài vỉa hè để gọi đồ và được mang ra phục vụ. Mọi thứ diễn ra nhộn nhịp không kém những ngày Hà Nội chưa phải đối mặt với đại dịch Covid-19.
Các bàn ăn đều không có vách ngăn, không đảm bảo khoảng cách an toàn |
Không chỉ phố Yên Phụ, nhiều tuyến phố khác như Nguyễn Trường Tộ, Hàng Bún... các hàng quán cùng tràn ra vỉa hè khi vắng bóng lực lượng chức năng.
Cửa hàng bánh cuốn Bà Xuân kê thêm bàn tràn ra vỉa hè |
21 giờ 15 phút, lực lượng Công an phường Nguyễn Trung Trực bắt đầu đi tuần tra nhắc nhở. Những con phố có lực lượng chức năng tuần tra, chủ quán chỉ dẹp gọn các bàn ăn để nhường đường cho xe chuyên dụng và các phương tiện khác.
Nhìn cảnh tượng lúc đó, có lẽ ai cũng nhận thấy việc chủ cửa hàng, thực khách quá quen với sự có mặt của lực lượng chức năng. Họ bình tĩnh dọn bàn ghế chờ xe tuần tra đi qua rồi tiếp tục ngồi.
Chủ quán dẹp gọn bàn ăn để nhường phần đường lại cho các phương tiện đi qua |
Đặc biệt hơn, ngay khi lực lượng công an phường bắt đầu làm nhiệm vụ, hàng loạt quán ăn trên phố Yên Phụ đồng loạt tắt bớt đèn, thu dọn bàn ghế vào phía trong trước khi lực lượng chức năng đến. Vỉa hè tuyệt nhiên không còn khách hàng cũng như bàn ghế nữa.
Lực lượng chức năng tuần tra nhắc nhở các hàng quán vào khoảng 21 giờ |
Hiện tại, sau khi Hà Nội “nới lỏng” thì chỉ những nhà hàng, quán ăn kinh doanh dịch vụ trong nhà và đảm bảo theo đúng quy định của TP.
Trong bối cảnh Hà Nội vẫn ghi nhận ca mắc mới Covid-19 tại nhiều quận huyện, thậm chí có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng với lịch trình phức tạp, việc người dân vô tư ăn uống, hàng quán mở cửa không đảm bảo phòng chống dịch, hoàn toàn có thể khiến dịch bùng phát trở lại.
Nhiều hàng quán lấn chiếm hết vỉa hè để kinh doanh |
Trong khi TP đang nỗ lực nới lỏng từng bước hoạt động kinh doanh, dịch vụ để ổn định đời sống của người dân thì những hoạt động trên phải chăng đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực phòng, chống dịch của TP. Điều này rất cần sự nghiêm túc vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn!
Vỉa hè bị lấn chiếm làm khu vực để xe và chỗ ngồi cho thực khách |
Các phương tiện được để dọc dải phân cách trên đường Yên Phụ |
Mặc dù tuyến phố Yên Phụ có biển cấm dừng đỗ nhưng nhiều thực khách đi ô tô vẫn ngang nhiên dừng đỗ tại đây |
Chiều 13/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 21/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới. Công điện nêu rõ: Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn; Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR. Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR theo quy định của Bộ Y tế và thành phố gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cá nhân tham gia. |