Liên kết phát triển du lịch Sơn La - Hà Nội: Nhiều tiềm năng
Hà Nội phát huy vai trò “cầu nối” phát triển du lịch 10 tháng năm 2022, khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 5 lần cùng kỳ Sắp diễn ra Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 |
Quang cảnh hội nghị liên kết du lịch Sơn La - Hà Nội. |
Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, cách Thủ đô Hà Nội hơn 300km, với hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu di chuyển của du khách. Sơn La cũng là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, tạo nên nguồn tài nguyên nhân văn phong phú. Trên tất thảy, Sơn La được thiên nhiên ưu đãi, là nơi quanh năm khí hậu ôn hòa, cảnh sắc tươi đẹp. Đó là điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch khác biệt, thu hút khách từ Thủ đô cũng như các tỉnh, thành, qua đó khẳng định vị thế trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc.
Bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết: Tỉnh Sơn La, nằm trên trục đường Quốc lộ 6, cách Hà Nội hơn 300 km về phía Tây Bắc, có đường biên giới Việt - Lào dài 274 km, với 12 dân tộc anh em cùng đoàn kết chung sống. Tỉnh Sơn La bước đầu xây dựng được các sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh như: Du lịch cộng đồng, du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn với lễ hội, du lịch thể thao...
Nhiều khu, điểm du lịch dần trở nên nổi tiếng, đã tạo sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La như: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch Quỳnh Nhai, Ngọc Chiến, Cầu kính Bạch Long, điểm du lịch Pha Đin Tốp, sống lưng khủng long, săn mây Tà Xùa… Đặc biệt, năm 2022 Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La được bình chọn là “Điểm đến du lịch thiên nhiên hàng đầu Việt Nam và hàng đầu châu Á”.
Khách du lịch Sơn La |
Tỉnh Sơn La định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La định hướng trở thành Khu du lịch quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, Sơn La đón 5,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 15-20%/năm.
Trong những năm qua, lượng khách du lịch đến Sơn La không ngừng tăng lên. Lượng khách du lịch 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,2 triệu lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 2.000 tỷ đồng... Đặc biệt, tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hình thành trục giao thông liên thông kết nối các vùng, tạo thêm sự lựa chọn di chuyển với tốc độ cao từ trung tâm huyện Mộc Châu đến địa phận tỉnh Hòa Bình và Hà Nội, điều đó khẳng định tiềm năng về phát triển du lịch, kết nối tour du lịch giữa Sơn La và Hà Nội là rất khả thi.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: Sau dịch COVID-19, nhu cầu đi du lịch của khách thay đổi nên sự hợp tác giữa Sơn La – Hà Nội để tạo sản phẩm đa dạng thu hút khách dịp cuối năm và những năm tới. Khi đã có sản phẩm, hai bên đẩy mạnh quảng bá, truyền thông, đặc biệt tận dụng quảng bá trên nền tảng số, mạng xã hội. Doanh nghiệp 2 tỉnh hình thành nhóm liên kết, kích cầu theo từng giai đoạn mang lại hiệu quả tốt nhất.
Từ góc độ nghiên cứu của Hiệp hội, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho biết: Sơn La có lợi thế về cao nguyên Mộc Châu, kết nối đường bộ với Lào và có nên văn hóa các dân tộc đa dạng đang là lợi thế lớn để thu hút khách từ Hà Nội. Vấn đề hiện nay là làm tốt dịch vụ du lịch và đẩy mạnh truyền thông.
Trong khi đó, dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Tiên phong travel, cho biết: Đơn vị vừa tổ chức 2 đoàn hơn 100 khách kết nối đi từ Hà Nội – Mộc Châu qua cửa khẩu quốc tế Lóng Sập đến Sầm Nưa (Lào). Trước đây, chương trình đi Mộc Châu thường 2 ngày 1 đêm nhưng khi liên kết tour sang Lào, chương trình kéo dài 3 ngày 1 đêm. Quá trình khảo sát và tổ chức tour cho thấy hạ tầng đi từ Mộc Châu đến của khẩu quốc tế Lóng Sập còn xấu nên tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng tuyến đường này. Hiện việc qua cửa khẩu Lóng Sập mới dành cho khách Việt Nam nhưng tương lai sẽ mở ra cơ hội đón khách quốc tế đến Mộc Châu, Sơn La qua cửa khẩu này là rất lớn.
Còn ông Lê Hồng Thái, Giám đốc Hanoitourist cho biết: Đơn vị cũng đang nghiên cứu phát triển loại hình du lịch xe tự lái (caravan) theo hướng Hà Nội – Mộc Châu đi vòng qua vùng đông bắc Lào, rồi về cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) hoặc chương trình từ Hà Nội – Mộc Châu qua Sầm Nưa (Lào) rồi quay trở về. Đa phần khách đi theo nhóm nhỏ, tăng tính trải nghiệm. Để thu hút được khách, tỉnh Sơn La bên cạnh đầu tư hạ tầng cũng đẩy mạnh truyền thông, nhất là qua mạng xã hội.
Còn anh Tráng A Chu, dân tộc Mông, chủ home stay Hua Tạt, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La lại mong muốn tỉnh tăng cường hơn nữa công tác đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Có vậy mới nâng dần chất lượng phục vụ các đoàn khách trong nước và quốc tế bền vững.
Từ đóng góp của đơn vị, doanh nghiệp du lịch dịch vụ, lãnh đạo tỉnh Sơn La giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La và Sở Du lịch thành phố Hà Nội; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội trên cơ sở ký cam kết liên kết phát triển du lịch giữa 2 tỉnh, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt và đưa du lịch Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn vùng Tây Bắc.
Nhìn nhận về hiệu quả liên kết giữa Sơn La và Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, những năm qua, Hà Nội và Sơn La đã liên tục triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá về văn hóa - du lịch, đặc biệt là kết nối các sản phẩm đã được các doanh nghiệp của hai địa phương khai thác hiệu quả.
Cùng với đó, cơ quan quản lý về du lịch giữa hai địa phương đã phối hợp tốt trong việc tăng cường công tác quản lý hai chiều để bảo đảm cho các doanh nghiệp khai thác tour tuyến, cung cấp các sản phẩm du lịch chất lượng; bảo đảm an toàn cho du khách; tăng cường hỗ trợ hoạt động cho các doanh nghiệp, câu lạc bộ, hiệp hội du lịch nhằm thúc đẩy du lịch giữa hai địa phương...
Đặc biệt, Hà Nội - Sơn La cũng phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, xúc tiến quảng bá sản phẩm hai chiều, qua đó, thu hút sự quan tâm của người dân, du khách đến với hai địa phương và vùng Tây Bắc nói chung.