Lao động trẻ và nỗi băn khoăn về việc làm thỏa đáng
Các đại biểu tham dự trực tiếp hội thảo “Việc làm thoả đáng trong bối cảnh Covid-19” |
Mất việc, giảm thu nhập - nỗi lo không chỉ của người lao động
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện các quy định giãn cách xã hội. Rất nhiều công sở, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đều tạm dừng hoạt động, làm việc luân phiên, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự. Người lao động buộc phải tạm hoãn công việc, ngừng việc không hưởng lương, thậm chí mất việc làm.
Theo báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm tại Việt Nam của Tổng Cục thống kê công bố vào ngày 12/10/2021 biến thể Delta của virus Corona đã tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam trong quý III năm 2021. Theo đó, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 là 3,98%, mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Việc này gây ra những tổn thất về kinh tế cho không chỉ quốc gia mà còn mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Đầu tư vào lao động vì sự bền vững của doanh nghiệp
Tại hội thảo “Việc làm thỏa đáng trong bối cảnh Covid-19”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, chia sẻ: “Trong bối cách đại dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Nhiều người cho rằng tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt nhóm dễ bị tổn thương là điều cần thiết, không nên yêu cầu phải thỏa đáng. Đó là quan niệm không đúng.
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD |
Việc doanh nghiệp đảm bảo việc làm thỏa đáng bao gồm cơ hội đào tạo và tiếp cận nghề có chất lượng cho lao động trẻ, đảm bảo các điều kiện chi trả, phúc lợi, quan tâm tới cha mẹ trẻ, phụ nữ mang thai hay tạo môi trường làm việc an toàn, phát triển, hạnh phúc không chỉ là tuân thủ pháp luật, đáp ứng các tiêu chí để sản xuất kinh doanh mà còn là trách nhiệm. Điều đó cũng thể hiện chiến lược đảm bảo việc vận hành kinh doanh, sự gắn bó của nhân sự và thương hiệu của doanh nghiệp. Đầu tư vào lao động chính là sự bền vững của doanh nghiệp”.
Chia sẻ thêm về vấn đề lao động, việc làm thỏa đáng, ông Mattias Forsberg, chuyên gia cấp cao về Quyền trẻ em và kinh doanh thuộc Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Thụy Điển đã nêu nguyên tắc thứ 3 (Cung cấp công việc tốt cho người lao động trẻ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ) trong bộ nguyên tắc bảo vệ Quyền Trẻ em trong kinh doanh.
Ông Mattias Forberg - Tổ chức Cứu trợ trẻ em |
Ông Mattias Forsberg nhấn mạnh: “Thực tế ảnh hưởng của đại dịch đối với trẻ em và gia đình rất nặng nề, dù có rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện bởi các bên liên quan. Các lao động trẻ cũng là các đối tượng dễ bị tổn thương và cần nhiều sự quan tâm từ phía nhà tuyển dụng. Họ cũng là nhóm gặp nhiều rủi ro khi các nhà tuyển dụng thường ngần ngại.
Chúng ta đã cố gắng thúc đẩy Quyền Trẻ em, đồng thời tăng cường tác động đối với doanh nghiệp trong việc thực thi Quyền Trẻ em trong các hoạt động kinh doanh. Chính phủ các nước cũng đã có nhiều nỗ lực để góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trẻ. Tuy nhiên, tôi luôn mong chờ những nỗ lực thực tế của tất cả chúng ta”.
Các chuyên gia nói gì?
Thảo luận vấn đề việc làm cho nhóm lao động trẻ, thanh thiếu niên, bà Lê Minh Thảo, tư vấn về Quyền Trẻ em và Doanh nghiệp thuộc UNICEF Việt Nam cho biết: “Việc đầu tư vào thế hệ trẻ là khoản đầu tư thông minh và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Các bạn trẻ cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, biết mình cần gì, muốn gì để có thể tiếp cận cơ hội đến từ các doanh nghiệp”.
Phiên tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp với việc hỗ trợ lao động trẻ, cha mẹ trẻ trong và sau đại dịch Covid-19” đã chia sẻ những thông tin thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo việc làm cho lao động trẻ và bố mẹ trẻ em.
Bà Nguyễn Ngọc Hằng - Viện REACH |
Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, quản lý đào tạo REACH miền Bắc, vấn đề việc làm cho lao động trẻ, đặc biệt là thanh niên khuyết tật trong bối cảnh đại dịch là một thách thức lớn. Cụ thể, nhóm thiếu niên yếu thế, các bạn trẻ trong khối dịch vụ hầu như không có việc làm.
Đại diện quản lý Phát triển bền vững và CSR, NS BlueScope Vietnam, ông Nguyễn Trần Trung chia sẻ về những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc hỗ trợ nhóm yếu thế: “Về mặt tinh thần, các F0 thường có tâm lý lo lắng. Vì vậy, chúng tôi đã tạo cơ hội để các F0 giao lưu cùng các nghệ sĩ, đồng thời tham gia các hoạt động truyền cảm hứng và chia sẻ cách vượt qua giai đoạn dịch bệnh. Đó là giải pháp tức thời nhưng sau dịch bệnh, những F0 gặp khó khăn lớn hơn trong kinh tế, việc làm. Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Với sứ mệnh hướng tới trách nhiệm xã hội, NS BlueScope luôn cam kết tạo môi trường làm việc an toàn, phát triển tốt nhất để họ phát huy tối đa các tiềm năng của mình. Điều này không chỉ là trách nhiệm, mà tạo nên uy tín, văn hóa, thương hiệu của doanh nghiệp”.
Ông Nguyễn Trần Trung - NS Bluescope |
Ngày 2/11, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG), Mạng lưới phi lợi nhuận miền Nam (SNPO) và Viện REACH tổ chức hội thảo “Việc làm thoả đáng trong bối cảnh Covid-19”, với sự hỗ trợ tài chính của Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (SCI). Sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo “Tạo xu hướng - Dẫn dắt thay đổi 2021: Dấu ấn doanh nghiệp có trách nhiệm trong đại dịch Covid-19”. |
Nhận định về xu hướng phối hợp giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, ông Châu Hoàng Mẫn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) cho biết: “Trong nhiều năm làm việc với các nhóm lao động, tôi nhận thấy các doanh nghiệp đa phần quan tâm đến trẻ em hoặc các lao động trẻ thông qua hình thức từ thiện, hỗ trợ tạm thời chứ không tiếp cận dựa trên quyền của trẻ em. Chúng ta cần có cái nhìn khác - cái nhìn của doanh nghiệp đối với lao động trẻ.
Ngoài ra, việc kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội còn rất ít, chưa mang tính lâu dài. Khi doanh nghiệp phối hợp với tổ chức xã hội để thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội thì sẽ “giữ chân” nhân viên, duy trì nguồn nhân sự bền vững”.
Cách thức tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong việc xây dựng chương trình, chiến lược hỗ trợ và thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã được các chuyên gia đưa ra thảo luận, phân tích.
Bà Lê Minh Thảo - Tư vấn của UNICEF Việt Nam |
Bà Lê Minh Thảo, chuyên gia tư vấn về Quyền Trẻ em và Doanh nghiệp thuộc UNICEF Việt Nam kết luận, việc làm thỏa đáng là quyền lợi của lao động mà các doanh nghiệp cần đáp ứng. Doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cả cách thức và phương thức thực hiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp kết nối với các chuyên gia, tổ chức xã hội, những chương trình thúc đẩy hỗ trợ lao động, nhất là về việc làm thỏa đáng sẽ giúp đơn vị vượt qua khó khăn về nhân sự, từ đó phát triển bền vững.