Lần đầu công bố nhật ký, thư từ của nhà văn Bùi Hiển
Các diễn giả tại buổi tọa đàm ra mắt sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” tại Thư viện Hà Nội
Bài liên quan
Xuất bản cuốn sách do nhà văn gốc Việt đoạt giải Pulitzer 2016 chủ biên
Nhà văn Di Li cho ra mắt bộ đôi sách tùy bút ẩm thực
Tác phẩm của nhà văn Trần Thùy Mai đi dự hội sách quốc tế tại Đức
Thêm yêu Hà Nội qua những góc nhìn từ Hồ Gươm
Nhà văn gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20
Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22/11/1919 tại Nghệ An. Tháng 8/1945, ông tham gia Tổng khởi nghĩa tại TP Vinh và sau đó đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Hội Văn hóa Cứu quốc Nghệ An, Trưởng ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Nghệ An. Năm 1954, nhà văn làm việc tại Chiến khu Việt Bắc, sau đó về Thủ đô Hà Nội, công tác tại các báo Nhân Dân, Văn nghệ, NXB Văn học.
Nhà văn Bùi Hiển còn được biết tới là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, tham gia nhiều khóa ban chấp hành Hội, đồng thời được cử làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001. Ông mất ngày 11/3/2009 tại Hà Nội, thọ 90 tuổi.
Nhà văn Bùi Hiển (bên trái) thăm nhà nhà thơ Trần Hữu Thung tại Nghệ An, năm 1988 |
Nhắc tới nhà văn Bùi Hiển nhiều người nhớ tới ông là tác giả để lại nhiều dấu ấn của nền văn học hiện đại Việt Nam, với những tác phẩm tiêu biểu như: “Nằm vạ” (tuyện, 1941), “Đường vui xứ bạn” (ký, 1962), “Hòa và thép (truyện, 1972), “Bạn bè một thuở” (Hồi ký và tiểu luận, 1999), “Cái bóng cọc” (Truyện, 2002)…
Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút và tham gia quản lý văn hóa văn nghệ, nhà văn Bùi Hiển để lại 32 đầu sách sáng tác và 9 cuốn sách dịch. Có thể nói, Bùi Hiển là nhà văn sống và viết trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20.
Đường văn của Bùi Hiển trải dài qua nhiều thời kỳ: trước cách mạng tháng Tám, giai đoạn chiến tranh 1945 – 1975 và sau 1975 cho đến thời kỳ Đổi Mới. Sinh thời, nhà văn Bùi Hiển viết trên nhiều lĩnh vực: sáng tác, phê bình, tiểu luận, dịch thuật (một phẩm chất khá nổi bật của trí thức thế hệ vàng).
Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài từ nông thôn tới thành thị, từ phong tục tập quán tới các truyện ngắn mang tính luận đề… Dù ở lĩnh vực nào, viết về đề tài, đối tượng nào, Bùi Hiển luôn thể hiện sự chắt chiu, chọn lựa chi tiết kỹ lưỡng và tìm tòi cách thức thể hiện gần gũi mà tinh tế.
Bên cạnh những tác phẩm đã được xuất bản, nhật ký và thư từ của nhà văn Bùi Hiển cũng rất đáng quan tâm. Chính vì vậy, việc gia đình nhà văn quyết định tuyển chọn và công bố trong cuốn sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” lần này nhận được sự quan tâm của nhiều người trong giới văn học cũng như công chúng văn học mến mộ tài năng văn chương của ông.
Cuốn sách "Bùi Hiển - người đánh thức lương tri" do Như Books và NXB Văn học ấn hành |
Tên sách được đặt theo quan điểm sáng tác văn học của cố nhà văn. "Văn học có khả năng và thiên chức đánh thức những ước ao hướng thiện và tiềm năng tự hoàn thiện của từng con người một. Tôi nghĩ thế", ông trả lời tạp chí Văn học năm 2002.
Tại lễ tang Bùi Hiển năm 2009 ở Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi ông là "người đánh thức thiên lương sẵn có của con người" trong bài phát biểu tiễn biệt đồng nghiệp.
Những rung cảm nghệ thuật cao đẹp
Phần đầu sách là những trang nhật ký của Bùi Hiển viết từ năm 1946 đến cuối đời. Là người chỉ viết khi có đủ chất liệu, nhà văn chú trọng việc ghi chép sự kiện hàng ngày làm cảm hứng sáng tác. Hai phần cuối là những bức thư Bùi Hiển viết cho gia đình và những bài viết tưởng nhớ của con cháu.
Nhà văn và vợ Hoàng Thị Huệ luôn cẩn thận lưu giữ các lá thư trao đổi giữa các thành viên gia đình. Tâm tình trong thư giúp người đọc hiểu hơn về tính cách dung dị, chan hòa và sâu sắc của Bùi Hiển.
Phần "Nhật ký" của nhà văn Bùi Hiển được công bố lần này bắt đầu từ ngày 23/2/1947 |
Sách in ấn trang trọng, dày gần 340 trang trong đó lần đầu tiên công bố nhật ký và thư từ cá nhân giữa Bùi Hiển với bạn bè văn chương và các thành viên trong gia đình. Với tính chất riêng tư, quyển sách hé lộ góc nhìn vô cùng sống động và hấp dẫn về các diễn biến chính trị - xã hội Việt Nam trải dài từ những năm 1940 của thế kỷ trước tới những năm đầu thế kỷ XXI.
Để có được những tư liệu ra mắt lần này, các con, cháu nhà văn Bùi Hiển đã tiếp cận hơn 60 cuốn sổ ghi chép, nhật ký và hàng ngàn trang bản thảo, tư liệu mà nhà văn để lại.
Dù viết nhật ký, nhà văn Bùi Hiển vẫn thể hiện đậm dấu ấn cá nhân thông qua văn phong súc tích giàu cảm xúc và lối quan sát vô cùng tinh tế.
Đọc nhật ký và những trang thư của nhà văn Bùi Hiển, độc giả có thể gặp rất nhiều chi tiết đa dạng và sâu sắc về một thế kỷ nhiều biến động, đi sâu vào những nỗi niềm của đời sống văn chương cũng như tâm trạng và sinh hoạt của những con người Việt Nam bình dị.
Cuốn sách còn giới thiệu nhiều bức thư các bạn văn và đại diện các nhà xuất bản gửi cho nhà văn Bùi Hiển |
Nhiều ý kiến đánh giá, những nhật ký và thư từ được trích công bố lần này trong sách “Bùi Hiển – Người đánh thức lương tri” có thể được xem như “chứng từ” của một đời văn, đời người và một niên biểu về lịch sử văn chương hiện đại.
Bạn đọc hôm nay thấy được qua từng trang sách không chỉ là những rung cảm nghệ thuật cao đẹp mà còn là công việc lao động của nhà văn, những phẩm chất, lương tri và lương năng của người cầm bút.
Cuốn sách mang lại cơ hội quý báu để những người yêu văn chương nói chung, yêu quý nhà văn Bùi Hiển và các tác phẩm của ông nói riêng, hồi tưởng và chiêm ngưỡng lại những năm tháng đã qua.
Tại buổi tọa đàm và ra mắt sách, nhà văn Lê Minh Khuê nhận định: “Bùi Hiển là một người nhân hậu, chân tình, gần gũi, để lại nhiều ấn tượng với cuộc đời Lê Minh Khuê. Đó là con người luôn sẵn lòng chở che, bảo vệ những người viết trẻ như tôi khi mới vào nghề - đầu những năm 1970”.
Còn TS Trần Ngọc Hiếu nhận xét: “Truyện ngắn của Bùi Hiển là một minh họa khá điển hình cho những đặc trưng thể loại. Có thể thấy, với những tác phẩm của ông, lí luận về thể loại truyện ngắn có thể tìm thấy những ví dụ điển hình”.