Kỹ năng vượt khó khăn và tháo gỡ chuyện “khó đỡ”
Hàng ngàn học sinh Thủ đô hào hứng trải nghiệm kỹ năng phòng cháy, chữa cháy |
Theo Ban tổ chức, hiện nay, tâm lý học đường tại nước ta đang là vấn đề vô cùng nhạy cảm và cũng là áp lực rất lớn đối với phía nhà trường, các nhà chức trách cùng hội phụ huynh học sinh. Dựa vào số liệu đã khảo sát sức khỏe định kỳ cho học sinh THCS tại Hà Nội cho thấy có khoảng 25,7% trên tổng 1.727 em học sinh gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo một nghiên cứu khác được thực hiện trên khoảng 1.314 học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 16 tại 10 tỉnh thành của nước ta, có khoảng 9,6% trẻ gặp phải những bệnh hướng nội ở giai đoạn nhẹ; 16,29% bạn thường xuyên cảm thấy buồn bã, chán nản; 4,2% em cảm thấy không hài lòng, tự ti về ngoại hình và cơ thể của bản thân; khoảng 3,1% em có xu hướng sống khép kín, thu mình lại… Đứng trước thực trạng căng thẳng của tâm lý học đường, giải pháp hiệu quả nhất đó chính là tăng cường hoạt động tư vấn tâm lý.
Đông đảo học sinh trường THCS Lê Quý Đôn tham dự chương trình |
Với mong muốn kịp thời lắng nghe tâm tư của các em học sinh, Ban giám hiệu THCS Lê Quý Đôn phối hợp cùng Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình tổ chức chương trình “Tư vấn tận tâm, gen Z hiểu đúng”. Đây cũng là điểm đến đầu tiên của hành trình ý nghĩa này.
Diễn giả khách mời tham gia chương trình là thạc sĩ Lê Anh Tuấn và nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An. Với chuyên đề “Kỹ năng vượt khó khăn”, thạc sĩ Lê Anh Tuấn đã có sự kết nối với học sinh của nhà trường. Qua chuyên đề, các em có cơ hội hiểu hơn về chính mình, biết cách lạc quan vượt qua khó khăn, bình tĩnh trong giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn giao lưu cùng diễn giả |
Bên cạnh đó, chuyên đề “Tháo gỡ chuyện “khó đỡ”” do nghiên cứu sinh Đào Lê Tâm An thực hiện đối với học sinh lớp 9 cũng đem lại những khoảnh khắc ấn tượng và trải nghiệm khó quên. Các em học sinh lớp 9 rất hào hứng khi được đồng hành, gỡ rối những chuyện ít có cơ hội được chia sẻ hoặc những vấn đề chưa bao giờ các em dám nói ra như áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè…
Em Huyền Thương, học sinh trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: “Đôi khi trong cuộc sống em gặp những tình huống rắc rối từ mối quan hệ với bạn bè xung quanh. Khi đó, em thường lúng túng không biết xử lý thế nào cho tốt. Vì thế, đây là chương trình bổ ích giúp chúng em có thêm kiến thức, kỹ năng trong học tập và cuộc sống”.
Chương trình giúp các em học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống |
Việc tư vấn tâm lý cũng giúp hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống; Tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội; Rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhân cách.
Tư vấn tâm lý học đường là quá trình đồng hành cùng các em học sinh định hướng tương lai, xác định công việc mơ ước và phù hợp với bản thân. Nhờ đó, các em tránh được tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái ngành học sau khi ra trường hoặc thất bại do mất phương hướng trong cuộc sống.
Thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2023; Trung tâm tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình (trực thuộc Trung ương Hội LHTN Việt Nam) phối hợp cùng với công ty cổ phần truyền thông Giang Sơn, các đơn vị tỉnh, Thành đoàn và Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Hoà Bình cùng triển khai tổ chức chuỗi chương trình tư vấn tâm lý giáo dục thanh thiếu niên năm 2023 tại các nhà trường với chủ đề: Tư vấn tận tâm, Gen Z hiểu đúng”. Trường THCS Lê Quý Đôn là điểm đến đầu tiên của hành trình đầy ý nghĩa này. |