Kon Tum: Lò giết mổ gia súc tập trung "hành" dân
Lò giết mổ gia súc tập trung TP Kon Tum đang "bức tử" môi trường (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Vinh Quang, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) phản ánh với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc hệ thống xử lý nước thải của lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và hoa màu của người dân.
Theo ghi nhận, mương thủy lợi mà lò giết mổ tập trung thành phố xả nước thải xuống là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 20 hecta lúa của xã Vinh Quang, phường Ngô Mây và một số diện tích cây trồng khác.
Bức xúc trước tình trạng ô nhiễm nước thải của lò giết mổ tập trung, các hộ dân xã Vinh Quang đã kiến nghị với chính quyền địa phương thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND 2 cấp nhưng đến nay sự việc vẫn không được giải quyết.
Nước thải từ lò mổ chảy trực tiếp ra vườn cây của người dân tại xã Vinh Quang (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Ông A Nhép, trú tại thôn Kon Hơngo Ktu, xã Vinh Quang (TP Kon Tum) cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng hiện nay tình trạng này chưa được giải quyết. Gia đình tôi có ruộng gần với lò ghiết mổ tập trung này, khi ra thăm ruộng, làm cỏ là chịu không nổi vì nó bốc mùi hôi thối. Lúa bị lép hết, không đạt năng suất.
Không chỉ ảnh hưởng đến diện tích lúa của người dân, nước thải từ bể lắng lọc của lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum cũng chảy qua diện tích đất cao su của hộ dân lân cận và tràn ra đường đi. Nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc”.
“Tôi thường đi cạo mủ cao su qua khu vực này nhưng thấy nước thải từ lò mổ cứ chảy tràn ra ngoài đường bốc mùi hôi thối. Mỗi khi có mưa là nước chảy lênh láng, rất mất vệ sinh. Tuy nhiên, không hiểu sao cơ quan chức năng không kiểm tra, xử lý”, ông Bùi Xuân Vũ cho biết thêm.
Nhiều diện tích lúa của người dân xã Vinh Quang bị lép hạt (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Anh A Báo trú tại thôn Kon Hơngo Kơtu, xã Vinh Quang cũng bức xúc: “Lò mổ này hoạt động từ năm 2022, nước thải chảy ra hệ thống mương thủy lợi làm ô nhiễm môi trường. Tôi có 3 sào ruộng, nước chảy ra ruộng khiến lúa bị lép, ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất mùa vụ năm nay”.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum hoàn thành và hoạt động từ năm 2022 do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum quản lý. Công suất giết mổ khoảng 175 con gia súc/ngày và 2.000 con gia cầm/ngày.
Nước thải có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Hiện nay, có 29 hộ đang hoạt động tại lò, bình quân mỗi ngày giết mổ 150 con gia súc và 100 con gia cầm. Đạt khoảng 85% công suất giết mổ gia súc, đạt 0,05 % công suất giết mổ gia cầm của dự án.
Tuy nhiên, hệ thống xử lý nước thải của lò giết mổ không đảm bảo và hiện đã quá tải. Mỗi ngày có hơn 50m3 nước thải kèm theo dầu mỡ, phân và cả nước mưa trong khu vực lò mổ đổ xuống bể xử lý nước thải. Sau đó dẫn thẳng ra hồ chứa sinh học và chảy xuống mương nước thủy lợi.
Lò giết mổ tập trung thành phố Kon Tum được xây dựng với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm và hạn chế lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm từ động vật, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Ngược lại, chính lò giết mổ tập trung này lại gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân.