Kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm của Công ty STP Việt Nam tại Hưng Yên
Công ty TNHH STP Việt Nam.
Bài liên quan
Hưng Yên: Thanh tra toàn diện Dự án Khu dịch vụ thương mại và nhà ở của Công ty Thép Thành Long
Hưng Yên: Sau khi bị ''trảm'', Công ty STP Việt Nam đã được phê duyệt ĐTM
Hưng Yên: Ngang nhiên hoạt động khi chưa có ĐTM, Công ty STP Việt Nam bị phạt 300 triệu đồng
Mới đây, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thế Cử ký gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND huyện Văn Lâm về việc kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của Công ty TNHH STP Việt Nam tại xã Lạc Đạo.
Tại văn bản, UBND tỉnh Hưng Yên giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và UBND huyện Văn Lâm kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai của Công ty TNHH STP Việt Nam, trong đó xử lý nghiêm việc lấn chiếm đất đai, xây dựng các hạng mục công trình không đúng mặt bằng quy hoạch; báo cáo UBND tỉnh kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 15/3/2019.
Được biết, chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên được ban hành sau khi xem xét đề nghị của UBND xã Lạc Đạo tại Báo cáo số 09/BC-UBND ngày 18/1/2019 về việc đề nghị xử lý dứt điểm những vi phạm của Công ty TNHH STP Việt Nam tại thôn Cầu, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm.
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hưng Yên. |
Trước đó, chúng tôi đã thông tin phản ánh hoạt động của xưởng sản xuất Công ty TNHH STP Việt Nam (Công ty TNHH và Thương Mại Sơn Tùng). Trong đó nêu rất rõ về việc công ty xây dựng một số hạng mục trái phép, lấn chiếm đất đai, đặc biệt là hoạt động khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Hưng Yên đã có văn bản giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và UBND huyện Văn Lâm kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty và báo cáo lại UBND tỉnh Hưng Yên trước ngày 30/9/2018.
Ngày 8/10/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 2487/QĐ-XPVPHC do ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên ký về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH STP Việt Nam (còn có tên khác là Công ty TNHH và Thương Mại Sơn Tùng) tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm.
Theo quyết định, Công ty TNHH STP Việt Nam đã có hành vi vi phạm: Không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo định, vi phạm Điểm d, Khoản 4, Điều 11 của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, hành vi vi phạm trên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ do Công ty đã tự nguyện khắc phục hậu quả (ký hợp đồng số 21/2018/HĐKT ngày 22/5/2018 với đơn vị có chức năng để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường; ngày 16/7/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Quyết định số 278/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường và ngày 7/9/2018 có Báo cáo số 360/BC-STNMT về kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Nhà máy sản xuất nhựa cao cấp Sơn Tùng của Công ty TNHH STP Việt Nam gửi UBND tỉnh).
Mặt khác, Công ty TNHH STP Việt Nam quá trình hoạt động sản xuất không phát sinh khí thải, nước thải sản xuất, chất thải nguy hại ra môi trường; không gây hậu quả nghiêm trọng và không có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hưng Yên quyết định xử phạt Công ty TNHH STP Việt Nam với số tiền 300 triệu đồng; biện pháp khắc phục hậu quả là yêu cầu Công ty hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường xong trước ngày 15/10/2018.
Đến ngày 12/10/2018, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 2507/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Bùi Thế Cử ký về việc phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án "Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa cao cấp Sơn Tùng" của Công ty TNHH STP Việt Nam.
Cụ thể, UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án "Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa cao cấp Sơn Tùng" của Công ty TNHH STP Việt Nam với mục tiêu của dự án là sản xuất sản phẩm nhựa (sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh, không sử dụng nhựa tái chế, không tái chế nhựa); xây dựng nhà xưởng công nghiệp, kho, bãi ngoài trời cho thuê.
Quy mô: Các sản phẩm nhựa 6.000 tấn/năm; cho thuê nhà xưởng công nghiệp, kho, bãi ngoài trời 6.000 m2. Địa điểm tại khu đất có diện tích 20.558 m2 thuộc xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm.
Tại quyết định, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu không phát sinh nước thải sản xuất; thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh của dự án và các đơn vị thuê nhà xưởng đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt; nước mưa chảy tràn phải được thu gom, xử lý sơ bộ trước khi thải ra môi trường; xây dựng hệ thống thoát nước mưa tách riêng với hệ thống thoát nước thải.
Bên cạnh đó, xử lý bụi, khí thải đạt QCVN 19:2009?BTNMT - Khí thải đối với bụi và các chất vô cơ giá trị giới hạn B; QCVN 20:2009/BTNMT - Khí thải đối với một số chất hữu cơ; xử lý tiếng ồn, độ rung đảm bảo đạt QCVN 26:2010/BTNMT, QCVN 27:2010/BTNMT; phải có biện pháp xử lý mùi đảm bảo không phát thải khí thải có mùi khó chịu vào môi trường.
Công ty cũng phải vận hành các công trình xử lý chất thải thường xuyên liên tục, đúng theo quy trình kỹ thuật và phải được thể hiện trong nhật ký vận hành, đảm bảo nước thải, khí thải sau khi thiết bị xử lý đạt chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phép. Thu gom, phân loại, lưu giữ và xử lý toàn bộ các chất thải rắn công nghiệp, rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu không cho thuê nhà xưởng đối với những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: Chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất hóa chất, phân bón hóa học, nhuộm, giặt mài, thuộc da, sản xuất giấy và các dự án có mạ kim loại, sơn, tái chế kim loại thủ công, tái chế nhựa... Trước khi cho thuê nhà xưởng, chủ dự án phải có văn bản báo cáo UBND tỉnh, Sơ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giảm sát...