Kịch “Làm bạn với bầu trời” đề cao sức mạnh của tình yêu thương
Vở kịch chuyển thể “Làm bạn với bầu trời” của đạo diễn Việt Linh đã có buổi diễn phúc khảo vào chiều 5/1 tại trường Quốc tế Nam Mỹ - UTS (Q.Gò Vấp, TP HCM) trước khi công diễn chính thức tại Nhà hát TP HCM vào ngày 7/1. Đây là dự án thuộc chương trình kịch nghệ của trường Quốc tế Nam Mỹ - UTS và Sân khấu kịch Hồng Hạc.
Một cảnh trong vở "Làm bạn với bầu trời", khi Tèo (Bảo Duy, thứ hai từ phải qua) bị thương, bạn bè đến thăm (Ảnh: Việt Linh) |
“Làm bạn với bầu trời” là vở kịch có khởi đầu từ môn học Kịch nghệ được thí điểm trong chương trình giảng dạy khối 6 và khối 7 của trường UTS, đồng thời cũng thể hiện mục tiêu giáo dục học sinh thông qua việc kịch hóa môn Giáo dục công dân nên những diễn viên nhí trong vở kịch đều là dân không chuyên.
Vở kịch trung thành với nội dung gốc của nguyên tác cùng tên, xoay quanh nhân vật Tèo - cậu bé bị mẹ ruột bỏ rơi từ nhỏ, bị liệt năm tám tuổi nhưng sống lạc quan nhờ người thân, bạn bè quan tâm, che chở. Tèo được dì Hảo nhận nuôi nhưng bị cha nuôi dè bỉu vì nghi ngờ là con riêng của vợ.
Trong lần theo cha nuôi dự đám giỗ, Tèo té xuống suối, liệt hai chân, từ đó chỉ biết làm bạn với sách, bầu trời. Thế giới tuổi thơ hiện lên qua con mắt lạc quan của Tèo cùng nhóm bạn. Tác phẩm đề cao tình cảm gia đình, sức mạnh của sự bao dung, lòng yêu thương.
Kịch đề cao sức mạnh của tình yêu thương và góc nhìn lạc quan về cuộc sống (Ảnh: Việt Linh) |
Sân khấu kịch Hồng Hạc (trực thuộc đơn vị chủ quản là Hồng Hạc media) chính thức ra mắt vào ngày 25/12/2015 tại Sân khấu Thể nghiệm trường Múa TP HCM, số 155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, TP HCM, với vở Thiên Thiên.
Sân khấu Hồng Hạc ra đời đánh dấu chặng đường nghệ thuật mới của đạo diễn Việt Linh, một người làm điện ảnh, văn chương bước chân sang hoạt động sân khấu. Đó là lý do Việt Linh mong muốn các vở diễn của sân khấu Hồng Hạc tiệm cận điện ảnh và văn học nhất có thể.
Ngoài ra, bằng sức vóc khiêm tốn của mình, Hồng Hạc cũng mong muốn tạo cơ hội cho người trẻ, ý tưởng mới; điều này được minh chứng khi rất nhiều vở diễn tại SK Hồng Hạc được thực hiện bởi các đạo diễn trẻ – những người lần đầu tiên có tác phẩm dàn dựng trên sân khấu như: Hồng Ánh, Chi Cù, Lan Phương, Tây Phong, Thiên Huân, Cẩm Tiên.
Sau gần 3 năm thành lập và hoạt động; Sân khấu Hồng Hạc đã có hơn 10 kịch mục với các vở diễn mang nhiều thể loại/ đề tài khác nhau: Tâm lý xã hội (Thiên Thiên, Visa), Tâm lý Gia đình (Diễn viên hạng 3), Tâm lý hình sự (Giờ của Quỷ), Thiếu nhi (Thiên thần nhỏ của tôi), thân phận con người (I am đàn bà); cho đến các vở diễn cổ điễn (Eugienie Grangdet) hay mang đậm tính thể nghiệm (Ngộ Nhận, Tro Tàn Rực Rỡ)…
Tất cả các vở diễn dù ở thể loại nào đều cũng hướng đến mục đích mang lại một cảm xúc nhất định cho khán giả sau khi ra về, để rồi khán giả sẽ vấn vương với những cảm xúc ấy và nhớ đến Sân khấu Hồng Hạc như một điểm hẹn dành cho người yêu sân khấu pha lẫn văn học và điện ảnh.
Trong bối cảnh kịch nói phát triển khó khăn, sân khấu Hồng Hạc của Việt Linh chọn hoạt động theo yêu cầu của khán giả chứ không diễn định kỳ như trước. Đạo diễn kỳ cựu nói đây là cách chị duy trì điểm diễn và nhân sự lâu dài.
Đạo diễn Việt Linh nhấn mạnh, khi chuyển thể tác phẩm của cây bút viết truyện thiếu nhi ăn khách Nguyễn Nhật Ánh, những câu thoại trong truyện dường như quá sức với các diễn viên nhí không chuyên nhưng bù lại, do không qua một "lò" đào tạo diễn xuất nào nên điều đó góp phần giúp nét diễn của các em không "một màu", tự nhiên trong việc thể hiện cảm xúc của mình đối với nhân vật các em đảm nhận.