Không để Thủ đô bị động trước “siêu pháo đài bay” B.52
Hà Nội: Khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiến thắng B.52 |
Cách đây 50 năm, trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục ngàn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Đây là chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích bằng đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh trên thế giới. Thế nhưng, với tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích bắn rơi các pháo đài bay B.52, bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội.
Để làm nên chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, theo Đại tá Nghiêm Đình Tích - Anh hùng LLVTND (nguyên Đài trưởng Ra-đa P35, Đại đội 45, Trung đoàn 291), ý chí “vạch nhiễu tìm thù” là một trong những yếu tố quyết định. Trong chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, Đại tá Nghiêm Đình Tích đã cùng đơn vị kịp thời xác định và thông báo
các tốp B.52 ở phía Tây Nam Đồi Si, Đô Lương, Nghệ An ở cự ly hơn 200km, báo động sớm cho Hà Nội 35 phút, để cho nhân dân sơ tán và các lực lượng Phòng không – Không quân chuẩn bị đối phó với “pháo đài bay” B.52, góp phần cùng quân và dân ta làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Anh hùng LLVTND - Đại tá Nghiêm Đình Tích |
Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, trong các trận đánh khác, với máy móc thiết bị có hạn, việc phát hiện mục tiêu là các máy bay bình thường đã khó, trong trận đánh này để phát hiện được B.52 - loại máy bay tối tân nhất của Mỹ lúc bấy giờ lại càng khó khăn gấp bội. Bởi mỗi lần xuất trận, B.52 của Mỹ không bay một mình mà có hơn chục chiếc máy bay khác bay xung quanh, mục đích là bảo vệ và gây nhiễu để ra-đa của ta không phát hiện được.
Với quyết tâm bằng mọi giá không để bị tập kích bất ngờ, kinh nghiệm đúc rút qua các trận đánh, kinh nghiệm chống nhiễu, đánh máy bay địch từ năm 1967 và nghiên cứu chống nhiễu mới từ năm 1969, Đại tá Nghiêm Đình Tích cùng đồng đội đã xây dựng ra quy trình xử trí, phát hiện B.52 mang tên “Độc đáo, sáng tạo và có một không hai”. Chính quy trình này đã giúp quân đội ta chuẩn bị các phương án, phát hiện và hiệp đồng trong chiến dịch, sẵn sàng đánh B.52.
“Lúc đó chúng tôi có 6 máy thu sóng, nhưng khi B.52 bay trên bầu trời, tất cả sóng máy thu của ta đều bị nhiễu. Bằng kinh nghiệm và sự sáng tạo, chúng tôi chỉ sử dụng 1 máy thu, sử dụng 2 ăng ten trên và dưới hợp lý để chế áp nhiễu. Lúc này, trên màn hình chỉ còn dải nhiễu B.52 rất nhẹ, nổi lên 3 điểm sáng bằng đầu tăm. Tức là chúng tôi đã phát hiện ra B.52. Chúng tôi đã báo chính xác về Hà Nội là B.52 đang kéo vào đánh phá miền Bắc để cho các đơn vị kịp thời chuẩn bị và sẵn sàng ứng chiến”, Đại tá Nghiêm Đình Tích kể lại.
Xác "Pháo đài bay" B.52 tại Bảo tàng chiến thắng B.52 |
Trong đêm đầu tiên của chiến dịch, ngày 18/12/1972, lực lượng ra-đa đã phát hiện và báo động sớm cho Hà Nội trước 35 phút, tạo điều kiện cho Sở Chỉ huy chiến dịch phán đoán nắm chắc tình hình, sử dụng lực lượng chiến đấu. Các đêm sau đó do đã có kinh nghiệm, việc xác nhận có B.52 vào Hà Nội được chúng tôi cảnh báo sớm hơn, từ 35-50 phút. Vì vậy các cấp chỉ huy có điều kiện chủ động, chỉ huy đánh địch quyết liệt ngay từ những phút giây đầu tiên khi máy bay địch xâm phạm bầu trời Hà Nội.
Trong chiến dịch này, bộ đội Phòng không-Không quân, trước hết là bộ đội ra đa đã không để Tổ quốc bị bất ngờ trước chiến dịch tập kích đường không của địch, tạo điều kiện cho các binh chủng hoả lực đánh thắng B.52, đặc biệt là bộ đội tên lửa. Trong 34 chiếc B.52 bị bắn rơi, bộ đội tên lửa đã bắn rơi 29 chiếc
.Theo Đại tá Nghiêm Đình Tích, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã mang về thắng lợi có ý nghĩa hết sức to lớn,
từ chỗ Mỹ định sử dụng B.52 đánh để biến Hà Nội, Hải Phòng trở về thời kỳ đồ đá, gây hoang mang khủng khiếp cho nhân dân và ép Chính phủ ta phải ký Hiệp định Paris theo điều kiện của Mỹ, thì với thất bại này
khiến Mỹ không thể tiếp tục, buộc phải ngừng chiến dịch và phải ký Hiệp định Paris theo điều kiện của ta. Chiến thắng này có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và ngoại giao, là bước ngoặt quan trọng về chiến lược đối với Cách mạng Việt Nam, góp phần hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, trong Chương trình chính luận nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca chiến thắng", từ điểm cầu Cột cờ Hà Nội, Đại tá Nghiêm Đình Tích - Anh hùng LLVTND sẽ có những chia sẻ về ký ức những tháng ngày lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chương trình còn có sự tham gia của những nhân chứng lịch sử: Trung tướng, AHLLVT Phạm Tuân, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trợ lý tên lửa, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Di Niên, Đại tá AHLLVTND Nguyễn Đình Kiên.
Chương trình chính luận “Bản hùng ca chiến thắng” sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh H1, H2; đồng thời trực tuyến trên các nền tảng số của Đài PT-TH Hà Nội vào lúc 20 giờ ngày 17/12/2022.