Không để đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác thị sát việc bán hàng Việt tại siêu thị Co.op Mart Phan Thiết.
Bài liên quan
Mong muốn đồng bào Công giáo có nhiều hoạt động thiết thực hướng tới Đại hội MTTQVN
Hội quán: ngôi nhà chung của nông dân Đồng Tháp
Lựa chọn cán bộ đúng tiêu chuẩn và yêu cầu thực tiễn công tác Mặt trận
Mặt trận phải thể hiện rõ vai trò chủ trì đối với các tổ chức thành viên
Chủ tịch TƯ MTTQ Việt Nam chúc tết Chôl Chnăm Thmây năm 2019 đến đồng bào Khmer
Ông Vũ Văn Tiến giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam
Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cùng đại diện lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam và thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở địa phương.
Thay đổi tâm lý “sính ngoại”
Theo bà Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Thuận, trên cơ sở nội dung Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai một số nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với các cơ quan liên quan. Đến nay, đã có 22/22 các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động có báo cáo tổng kết 10 năm cuộc vận động.
Sau 10 năm, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” người tiêu dùng trong tỉnh đã có xu hướng sử dụng nhiều hơn các hàng hoá, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam có chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý thay vì dùng hàng ngoài nhập; các doanh nghiệp đã tăng cường sản xuất hàng hóa, coi trọng chất lượng, với giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu Cuộc vận động.
Theo đó, trên cơ sở chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và kế hoạch của cấp huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tổ chức tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt ở khu dân cư, tuyên truyền trong “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” và trong các hội nghị tiếp xúc cử tri ở các xã, phường, thị trấn…
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cùng đoàn công tác khảo sát việc bán sản phẩm may mặc mang thương hiệu Việt Nam tại siêu thị Co.op Mart Phan Thiết. |
Từ năm 2010 đến hết năm 2018, BCĐ Cuộc vận động tỉnh đã tổ chức 37 chương trình đưa hàng Việt về nông với trên 700 lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia. Thông qua việc tham dự Hội chợ triển lãm, khảo sát thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được đối tác kinh doanh, mở rộng đại lý tiêu thụ sản phẩm của địa phương; các doanh nghiệp cũng tham gia tặng 1 nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng; tập vở học sinh, quần áo học sinh và tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi trị giá 132,5 triệu đồng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các ngành chức năng cũng được tăng cường. Sau 10 năm đã kiểm tra 20.326 vụ, phát hiện và xử lý 9.811 vụ vi phạm, gồm: 1.156 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu; 481 vụ vi phạm hàng nhập lậu; 22 vụ vi phạm về hàng giả; 552 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá; 3.697 vụ vi phạm trong kinh doanh; 1.105 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; 2.798 vụ vi phạm khác. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu thu nộp ngân sách nhà nước 61,7 tỷ đồng.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho hàng Việt
Từ những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh, đại biểu tham dự đã đưa ra những ý kiến, những giải pháp cụ thể để Cuộc vận động tạo được sức lan tỏa trong nhân dân.
Đề cập đến “cuộc chiến” trên thị trường sữa Việt trong giai đoạn hiện nay, ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng tỉnh Bình Thuận cần đẩy mạnh tuyên truyền để phát triển các ngành hàng tại địa phương, phải tạo điều kiện và bảo vệ cho quyền lợi của doanh nghiệp để doanh nghiệp được bình đẳng trong sản xuất, kinh doanh và phân phối sản phẩm.
“Tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và phải tạo được niềm tin vững chắc của người dân trong sử dụng những sản phẩm thế mạnh của địa phương”, ông Vũ Văn Tiến nhấn mạnh.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cùng đoàn công tác kiểm tra chất lượng rau xanh của siêu thị Co.op Mart Phan Thiết. |
Cũng theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh phải đưa ra được dự báo và những yếu tố tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh để đề ra phương hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới. Phải gắn cuộc vận động tới những vùng phát triển sản phẩm hàng hóa như sản phẩm nước mắm, thanh long,.. từ đó nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
“Phải làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất, quảng bá và phân phối hàng hóa phục vụ người tiêu dùng và đánh giá tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm, mua sắm hàng hóa có xuất xứ thương hiệu Việt trên thị trường hiện nay”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh, với việc duy trì trung tâm dịch vụ cung ứng phân bón, giống và thu mua sản phẩm của bà con đã giúp những sản phẩm đặc trưng trên địa bàn luôn bình ổn giá và phân phối, lưu thông đồng đều tới các địa bàn trên toàn tỉnh, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: Bình Thuận luôn có chính sách hỗ trợ việc phân phối và cung ứng đối với những sản phẩm có giá trị so sánh tại địa phương, từ đó tạo điều kiện cho xuất khẩu và tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền đối với những sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm nước ngoài để hàng Việt đứng vững trong nhân dân.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cũng cần tích cực tham gia bảo vệ thương hiệu và áp dụng công nghệ thông tin vào phân phối, cung ứng sản phẩm tại địa phương.
Chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Bình Thuận thời gian qua, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và sự tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, sản phẩm hàng Việt đã được sử dụng rộng rãi và tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch, đảm bảo đời sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh ổn định.
“Muốn cuộc vận động đi vào đời sống người dân thì mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải làm gương, phải là những người tiên phong trong sử dụng hàng Việt”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khảo sát tại Công ty Cổ phần nước mắm Phan Thiết. |
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, tỉnh Bình Thuận đã hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; huy động sự vào cuộc của "4 nhà" trong phát triển sản phẩm của địa phương; triển khai hiệu quả dự án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để tránh hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng;…
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn vẫn còn trăn trở khi các tiêu chí hàng Việt Nam chất lượng cao chưa được công bố rõ ràng, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, dẫn đến người tiêu dùng khó phân biệt để ưu tiên sử dụng, mua sắm; chương trình hàng Việt về nông thôn vẫn chưa thường xuyên, liên tục; việc phối hợp của các cơ quan chức năng đôi lúc chưa đồng bộ…
Khẳng định thành công của Cuộc vận động sau 10 năm đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức, tâm lý và tạo kênh phân phối sản phẩm hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng của các doanh nghiệp, nhà sản xuất.
Cùng với đó cần tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường của địa phương, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường và mỗi xã, phường, thị trấn có sản phẩm đặc trưng.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý tỉnh cần quan tâm tới liên kết các nhà sản xuất trong nước, trong tỉnh; không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; cam kết thực hiện bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nhằm phát triển sản xuất tại địa phương.
“Phải chú trọng tới chất lượng sản phẩm, tránh hiện tượng chất lượng giảm dần theo thời gian và không để đánh mất niềm tin của người tiêu dùng vào hàng Việt”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng Ban Chỉ đạo cần phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức các Hội chợ, thường xuyên đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về giá cả hàng hóa, phòng chống hàng gian, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, không để những sản phẩm này lưu hành trên thị trường.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực giám sát việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời phải có khen thưởng kịp thời đối với những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Trước đó, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại Siêu thị Co.op Mart Phan Thiết và Cty cổ phần nước mắm Phan Thiết (FISHACO) nhằm nắm bắt tình hình triển khai sản phẩm hàng Việt trên địa bàn tỉnh.