Không còn thời gian chần chừ mở cửa du lịch
Ngắm Phú Quốc đẹp mê hoặc ngày du lịch hồi sinh Vượt Covid-19, “Trợ lý ảo du lịch” quảng bá con người, đất nước Việt Nam Dự đoán hướng đi của du lịch Việt hậu Covid-19 |
Ngành du lịch như chiếc lò xo đã liệt
Tại tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế ” diễn ra ngày 7/12, TS Trần Du Lịch cho rằng, nhiều người so sánh ngành du lịch như chiếc lò xo bị nén lại, sau khi tháo chốt sẽ có khả năng tự phục hồi. Tuy nhiên, thực tế, những chiếc lò xo đã liệt thì dù có buông cũng không thể phục hồi.
Theo ông Lịch, du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh chia làm 3 nhóm. Thứ nhất là các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhưng vẫn giữ được dòng tiền, lao động, thị trường. Nhóm này khi mở cửa có thể phục hồi tự nhiên.
Thứ hai là nhóm gặp khó khăn về dòng tiền, lao động, mất một phần thị trường nhưng nếu được bơm tín dụng ưu đãi, có thể phục hồi được.
Thứ ba là nhóm đã quá kiệt quệ, không còn đủ điều kiện để đi vay nữa.
TS Trần Du Lịch đánh giá, trong 3 nhóm này, các doanh nghiệp phần lớn nằm ở nhóm 2 và nhóm 3, chỉ có số ít ở nhóm 1 nên khả năng tự phục hồi gần như không thể.
Vị chuyên gia ví ngành du lịch hiện như người bệnh đang cần thuốc, nếu cứ chần chừ, cho uống thuốc trễ thì tốn mà vẫn vô dụng và khẳng định mở cửa du lịch không còn thời gian để chần chừ.
Du lịch Việt Nam vẫn đang chờ thức giấc |
"Chúng ta có giải pháp mạnh, đồng bộ ở cả 3 mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải quốc tế, hàng không để phục hồi ngay trong mùa Tết sắp tới. Nếu muốn tiếp tục thực hiện Nghị quyết 08 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không thể chậm hơn nữa", ông Lịch chia sẻ.
Đồng quan điểm về việc mở cửa du lịch, TS Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở địa phương đã đủ cao, không còn giải pháp nào khác mạnh hơn để chờ đợi tính chuyện mở cửa du lịch.
"Không có quốc gia nào mở cửa du lịch mà bắt cách ly tập trung. Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì dễ nhưng trở về lại khó khăn. Đã nói mở cửa thì phải mở đúng nghĩa, mở thực chất, không kiểu mang tiếng mở nhưng vẫn tạo ra hàng loạt rào cản, quy định, mở nửa vời làm khổ doanh nghiệp như hiện nay", ông Nam chia sẻ.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Đại diện một doanh nghiệp lớn trong ngành kinh tế không khói, bà Trần Nguyện - Trưởng Ban Kinh doanh khối Sun World (Tập đoàn Sun Group) cho biết, đến giờ này công ty vẫn chưa đón được một khách nào.
Theo bà Nguyện, dù công ty rất nóng lòng, sẵn sàng mở cửa ngay sau khi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin nhưng vẫn còn tồn tại rất nhiều yếu tố bất cập, cản trở, khiến công cuộc đón khách chưa thể hiệu quả được.
Doanh nghiệp nóng lòng mở cửa du lịch |
Bà Nguyện lấy dẫn chứng, việc cấp phép bay cho các thị trường quốc tế vẫn đang giới hạn. Tại Phú Quốc đến tháng 11 vừa qua mới có một đoàn khách từ Hàn Quốc đến theo hình thức du lịch golf. Một số đoàn khách Nhật Bản, Hàn Quốc tới đây trong tháng 12 cũng là du lịch golf.
Trong khi đó, Sun Group hướng đến đối tượng khách Nga, bởi nhu cầu của thị trường này khá phù hợp với các trải nghiệm, dịch vụ mà tập đoàn đang có tại Nam đảo nhưng thị trường Nga vẫn chưa được cấp phép bay đến Phú Quốc. Do đó, dù các cơ sở của Sun Group đã sẵn sàng thì cũng không thể đón khách.
Đại diện Sun Group cho rằng, chính sách giá, kích cầu khi mở cửa trở lại chưa thống nhất, chưa có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, nên các doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm.
"Trong đợt dịch thứ tư cũng như tình hình biến chủng mới Omicron đang ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của du khách. Doanh nghiệp dù rất sẵn sàng nhưng cũng chưa thể mở cửa đồng loạt được, bởi lượng khách không thể đảm bảo chi phí vận hành", bà Nguyện cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel đánh giá, dù Chính phủ đã đưa ra định hướng là mở cửa kinh tế, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 nhưng cách thực hiện của nhiều địa phương vẫn còn cách xa.
Theo ông Kỳ, một số quy định phòng chống dịch đã được Chính phủ đưa ra trong Nghị quyết 128 nhưng các địa phương luôn tăng thêm một cấp độ dịch và có thể chuyển màu rất nhanh, khiến doanh nghiệp trở tay không kịp.
Ông Kỳ lấy ví dụ, khách từ TP HCM xuống Vũng Tàu hiện không được phép ở lại qua đêm, mà phải về trong ngày hay như khách từ TP HCM muốn lên Đà Lạt mà đi đường bộ thì tới đèo Madagui, chờ làm xong thủ tục khai báo là cũng hết giờ chơi…
"Đây là quan điểm Zero Covid chứ không phải là thích ứng với COVID-19 như Chính phủ đã công bố", ông Kỳ nhận định và cho biết thêm, du lịch là ngành kinh tế đa ngành, nói mở du lịch nhưng các dịch vụ thì nửa đóng nửa mở, cho phép siêu thị, trung tâm thương mại mở đến 22 giờ nhưng hàng quán lại chỉ đến 21 giờ là đóng cửa.
“Mở như vậy thì khách chơi gì, đi đâu. Cả nước đã có gần 70% dân số tiêm vắc xin mũi 1, cao hơn cả Mỹ. Cần nghiêm túc xem lại quy định chống dịch. Chính phủ không nên để các địa phương tự đánh giá cấp độ dịch mà phải do Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch công bố, để đảm bảo tính liên kết, không làm gãy đổ chuỗi cung ứng", ông Kỳ nói.
Bên cạnh đó, theo ông Kỳ, muốn mở du lịch thì đầu tiên phải mở ngay giao thông vận tải, bao gồm hàng hóa và đi lại vì đây là huyết mạch của nền kinh tế. Đồng thời mở cửa hệ thống dịch vụ phục vụ an sinh và cuộc sống người dân.