Không có tác động nào ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu tín nhiệm
Cơ sở xem xét quy hoạch, sử dụng cán bộ qua phiếu tín nhiệm Chiều nay, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội thông qua danh sách 44 người lấy phiếu tín nhiệm |
Các điểm khác biệt khi lấy phiếu tín nhiệm
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, lấy phiếu tín nhiệm là việc làm hệ trọng trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Nghị quyết số 96/2023/QH15 lần này có 3 nội dung khác biệt chủ yếu.
Thứ nhất, Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định cụ thể và chi tiết hơn về việc những người được lấy và bỏ phiếu tín nhiệm viết báo cáo về kết quả hoạt động của mình từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Nghị quyết cũng quy định rất chi tiết về các nội dung báo cáo, đặc biệt là về trách nhiệm, sự cam kết, các sản phẩm mà những chức danh đó đã được đảm nhiệm từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã tạo ra được những chuyển biến gì đối với chức trách, nhiệm vụ được giao; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của vị trí đang đảm nhận. Bên cạnh đó là phẩm chất đạo đức, lối sống, sự nêu gương, tinh thần trách nhiệm.
Thứ hai, Nghị quyết số 96/2023/QH15 quy định cụ thể không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ mà đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Cụ thể là những người có quyết định chờ nghỉ công tác hay nghỉ hưu hoặc là được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 thì sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trả lời phỏng vấn báo chí |
Thứ ba, Nghị quyết số 96/2023/QH15 cũng quy định rất rõ hệ quả kết quả lấy phiếu của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm với 2 nội dung rất căn bản.
Theo đó, những người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải có trách nhiệm trình Quốc hội tiến hành miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh, từ hai hệ quả rất rõ ràng cho thấy vai trò quan trọng và tính thiết thực của việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội đối với các chức danh được bầu hoặc phê chuẩn, thông qua đó cũng đánh giá cán bộ, giúp cho những người giữ các chức vụ được quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 nỗ lực hơn, cố gắng hơn trên cơ sở kết quả lấy phiếu.
Cách thức tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Nghị quyết số 96/2023/QH15 đã quy định rất cụ thể các mốc thời gian về việc thực hiện các bước trong quy trình và thủ tục cho việc lấy phiếu và bỏ phiếu.
Trên cơ sở đó, Ban Công tác đại biểu với trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tham mưu rất sớm để ban hành kế hoạch triển khai lấy phiếu.
Tiếp theo, Ban Công tác đại biểu cũng đã tham mưu để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có công văn gửi đến những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6 để chuẩn bị báo cáo theo quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về 2 nội dung là phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tinh thần nêu gương, tinh thần trách nhiệm; thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và bản kê khai tài sản.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có trong danh sách lấy phiếu tín nhiệm |
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, ngay từ đầu tháng 10/2023, tất cả các báo cáo của 44 người dự kiến được lấy phiếu tín nhiệm đã được gửi đến tận tay đại biểu Quốc hội.
Cùng với đó, bản kê khai tài sản cũng đã được gửi đến các Đoàn đại biểu Quốc hội ngay từ ngày khai mạc kỳ họp để đại biểu có điều kiện nghiên cứu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và việc kê khai tài sản để phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Nghị quyết số 96/2023/QH15 đã quy định rất rõ việc lấy phiếu tín nhiệm là cả một quá trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
"Với nhiều sự đổi mới, chúng tôi thấy rằng có những điểm thuận lợi để các đại biểu đánh giá, nhận xét, nhìn nhận về việc thực hiện nhiệm vụ của những người được Quốc hội bầu và phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ đến nay", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh kỳ vọng với sự công tâm, khách quan và cách làm khoa học, tôn trọng đại biểu, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 96/2023/QH15, cùng với năng lực, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri và Nhân dân cả nước thì kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một kênh rất quan trọng giúp cho các cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng cán bộ, nhất là những cán bộ cấp cao giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng kết quả này sẽ tiếp tục là một trong những thành công giúp hoạt động của bộ máy Nhà nước có những bước phát triển mới ở những năm còn lại của nhiệm kỳ, cũng là kinh nghiệm cho những khóa tiếp theo", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thanh, tại kỳ họp, các đại biểu Quốc hội được dành thời gian, không gian thuận và không bị lệ thuộc, phụ thuộc bất kỳ một tác động nào cho việc thể hiện chính kiến của mình vào các mức độ lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
"Với quy trình, cách làm bỏ phiếu kín và việc chuẩn bị, tạo điều kiện cho đại biểu thực hiện quyền của mình một cách hoàn toàn chủ động, chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ không có một tác động nào làm ảnh hưởng đến kết quả lấy phiếu", Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Theo chương trình dự kiến, sáng 25/10, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường để nghe báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm. Sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường để nghe báo cáo kết quả kiểm phiếu; dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn và biểu quyết thông qua nghị quyết.