Tinh gọn bộ máy - mệnh lệnh từ cuộc sống
Đây không chỉ là một chủ trương lớn mà còn là đòi hỏi bức thiết để giải phóng nguồn lực, nâng cao năng suất lao động và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
1 / 1 Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất – TTXVN) |
1. Bộ máy hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay có quy mô lớn. Tổng số lượng công chức, viên chức cả nước tính đến hết năm 2022 lên đến hơn 2,2 triệu người (trong đó bao gồm hơn 510.000 công chức và 1,74 triệu viên chức), chiếm một phần đáng kể trong lực lượng lao động. Điều này dẫn đến gánh nặng lớn về ngân sách nhà nước, đặc biệt là chi thường xuyên. Tỷ lệ chi thường xuyên hằng năm ở Việt Nam thường chiếm khoảng 70% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong đó, một phần lớn được sử dụng để duy trì hoạt động của bộ máy hành chính, trả lương và các chế độ cho cán bộ, công chức.
So sánh với các quốc gia khác, Việt Nam có tỷ lệ chi thường xuyên cao hơn hẳn. Ví dụ, Singapore chỉ duy trì bộ máy hành chính với số lượng nhân sự ít hơn rất nhiều và tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi ngân sách. Trong khi nước ta có 22 bộ và một số cơ quan ngang bộ, Nhật Bản chỉ có 13 bộ mặc dù dân số lớn hơn và nền kinh tế phát triển vượt bậc. Quốc gia này tập trung vào việc tinh giản biên chế, tăng cường công nghệ và quy trình tự động hóa để giảm nhân sự nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả quản lý.
Hàn Quốc cũng chỉ có 18 bộ và đã thành công trong việc áp dụng mô hình hành chính thông minh, tối ưu hóa nguồn lực và giảm chi phí vận hành bộ máy. Chi thường xuyên của nước chỉ chiếm khoảng 30-40% tổng chi ngân sách, tạo dư địa lớn cho đầu tư phát triển. Ở ngay cạnh chúng ta, Trung Quốc cũng đã tiến hành hàng loạt cải cách mạnh mẽ để giảm số lượng nhân sự trong khu vực công. Chỉ trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã tinh giản hàng triệu công chức và sáp nhập hàng loạt cơ quan hành chính, nhờ đó giảm được đáng kể chi phí hoạt động.
Đối với Việt Nam, sự chậm trễ trong cải cách đã làm tăng gánh nặng ngân sách và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Hệ thống chính trị cồng kềnh không chỉ làm giảm tính cạnh tranh quốc gia mà còn kìm hãm sự phát triển. Tiến sĩ Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vì gánh nặng chi thường xuyên nên cân đối ngân sách rất khó khăn, các nhiệm vụ quan trọng, bức thiết khác đều phải cân nhắc thận trọng, thậm chí phải gác lại, giãn tiến độ thực hiện do không có nguồn ngân sách để thực hiện... Đó là chưa kể, vì số lượng công chức, viên chức quá lớn nên việc tăng lương cho khu vực công nhằm bảo đảm đời sống, khích lệ tinh thần cống hiến và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức càng trở nên khó khăn.
Thực tiễn này cho thấy, càng chậm tinh gọn bộ máy ngày nào, vòng luẩn quẩn “đông nhưng không mạnh”, kém hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn tồn tại, mà hệ quả nặng nề nhất là cản trở, thậm chí kéo tụt sự phát triển của đất nước. Do đó, việc tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ cấp bách, nhằm đưa Việt Nam theo kịp chuẩn mực của các nước phát triển, tạo động lực mới cho sự tăng trưởng bền vững.
2. Việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ rất khó khăn, nhiều thách thức. Những trở ngại lớn nhất bao gồm tâm lý e ngại thay đổi, lợi ích nhóm cản trở cải cách; áp lực giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động dôi dư trong khu vực công. Ngoài ra, sự chồng chéo chức năng, thiếu tiêu chí đánh giá hiệu quả cụ thể và thói quen vận hành theo tư duy cũ càng làm nhiệm vụ này trở nên phức tạp.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, sự đồng lòng của nhân dân, nhiệm vụ cách mạng này hoàn toàn khả thi. Theo Tiến sĩ Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã "bắt mạch" đúng khi nhấn mạnh đổi mới, tinh gọn bộ máy tổ chức hệ thống chính trị bảo đảm “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Ông cho rằng, để vượt qua khó khăn, thách thức này, cần khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kêu gọi sự cống hiến, hy sinh và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức vì vận mệnh phát triển của đất nước, của dân tộc.
Hiện nay, những chuyển động mang tính cách mạng nhằm tinh gọn bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đang diễn ra ở cả Trung ương và địa phương. Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TƯ yêu cầu các đơn vị hoàn thành đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tháng 12-2024 để phục vụ Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 2-2025.
Chính phủ đang tập trung triển khai với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Quốc hội cũng xác định đổi mới mạnh mẽ, khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy “tinh, gọn, mạnh”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.
Các bộ, ngành trung ương cũng đã quán triệt tinh thần vào cuộc với trách nhiệm cao nhất. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chỉ đạo tập trung nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đề nghị các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Từng cơ quan, đơn vị phải thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng do sắp xếp lại tổ chức, bộ máy; bảo đảm công bằng, công khai, khách quan.
Tại các địa phương, tinh thần vào cuộc cũng rất khẩn trương. Tiêu biểu như thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất để trong tháng 12-2024 và đầu tháng 1-2025, thành phố phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã cho ý kiến về phương án sắp xếp bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh. Trong khi đó, thành phố Hồ Chí Minh định hướng sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, chuyển các ban quản lý từ đơn vị hành chính thành đơn vị trực thuộc UBND thành phố.
Tuy nhiên, tất cả mới là bước khởi đầu. Nhiệm vụ tinh gọn bộ máy đặt ra trong thời gian tới đối với các cấp, các ngành còn rất khó khăn đòi hỏi sự tập trung cao độ và ý chí tiến công cách mạng. Động lực cho nỗ lực này là khi thực hiện thành công, Việt Nam sẽ kiến tạo một bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả, xóa bỏ trì trệ, tăng sức cạnh tranh quốc gia và giải phóng nguồn lực cho phát triển. Đây sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo ra vận hội mới để đất nước vươn lên mạnh mẽ, xây dựng nền tảng vững chắc cho một Việt Nam hiện đại, hùng cường trong kỷ nguyên mới.