Khai mạc triển lãm "Từ mặt đất đến bầu trời" kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “ Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Triển lãm “Bản hùng ca Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” |
Triển lãm được sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức nhằm ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.
Đến dự lễ khai mạc, về phía đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ thành phố Hà Nội.
Đại biểu tham dự khai mạc triển lãm |
Về phía đại biểu Bộ Quốc phòng có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Đình Đản - Phó Cục trưởng Cục Nhà trường. Bên cạnh đó còn có các Nhà khoa học, Sử học, nhân chứng lịch sử, các đồng chí cựu chiến binh, chiến sỹ tiêu đồ viên, các lực lượng bộ đội tên lửa, dân quân tự vệ, các chiến sĩ, các em học sinh và Nhân dân Thủ đô tham dự khai mạc triển lãm.
Trân trọng và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước
Cách đây 50 năm, vào cuối tháng 12 năm 1972, quân dân Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh lân cận và bộ đội Phòng Không - Không quân đã anh dũng chiến đấu, lập nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” hào hùng, vang dội.
Tiết mục văn nghệ "Phi đội ta xuất kích" |
Thắng Mỹ trên bầu trời Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã góp phần viết nên những trang sử hào hùng nhất của dân tộc trong cuộc đối đầu không cân sức, đập tan uy thế không lực Hoa Kỳ, minh chứng lời tiên đoán thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: B52 Mỹ chỉ có thua trên bầu trời Hà Nội, chúng mới chịu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau sự kiện này, Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, góp phần to lớn vào chiến thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất Tổ Quốc.
Đồng chí Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long phát biểu khai mạc triển lãm |
Phát biểu khai mạc triển lãm, đồng chí Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long cho biết: "Hầm chỉ huy tác chiến T1 là một di tích cách mạng đặc biệt quan trọng trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long, minh chứng cho sự tiếp nối truyền thống anh hùng của Thăng Long - Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Với sự đóng góp tư liệu, hiện vật của rất nhiều các bác nhân chứng đang có mặt tại đây, căn hầm đã được mở cửa từ năm 2012 và thu hút đông đảo khách tham quan trong nước và quốc tế.
Đồng chí Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm |
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội đã tiến hành chỉnh lý nội dung trưng bày diễn giải tại Hầm T1; Ứng dụng công nghệ 3D mapping để diễn giải câu chuyện chuyện lịch sử một cách chân thực và hấp dẫn, giúp công chúng có thể cảm nhận sâu sắc những thời khắc đặc biệt và chiến công của quân dân ta trong 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, bảo vệ Thủ đô Hà Nội".
Các vị đại biểu trao đổi khi tham quan triển lãm |
Trong dịp này, Trung tâm đã phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng B.52, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô và Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Không quân 923 tổ chức triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời”; tổ chức chương trình tọa đàm, giao lưu cùng các nhân chứng lịch sử, những phi công chiến đấu quả cảm, anh dũng của Phi đội bay đêm, đánh B52 Mỹ. Đồng thời ra mắt, giới thiệu cuốn sách: “108 phi công chiến đấu Việt Nam” và cuốn sách “Hầm chỉ huy tác chiến- Bộ Tổng Tham mưu trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long”.
Các nhân chứng kể về chiến công của Không quân Việt Nam trong 12 ngày đêm chiến đấu với "siêu pháo đài bay" của Mỹ |
Những hoạt động đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, trân trọng và biết ơn các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu cho độc lập dân tộc; Phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, đẩy mạnh công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sỹ và những người có công với đất nước.
Góp phần làm rõ hơn về thế trận phòng không năm 1972
“Chưa bao giờ lực lượng B.52 của Mỹ vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”. Đó là lời thuật lại của một phi công Mỹ tham gia trong cuộc tập kích đường không chiến lược với “siêu pháo đài bay” B.52 đánh vào Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam cuối tháng 12 năm 1972, được hãng Thông tấn AFP ghi lại, sau khi chiến dịch kết thúc 2 ngày.
Đông đảo chiến sĩ, Nhân dân đến tham dự khai mạc triển lãm |
Chiến thắng đó đã minh chứng cho quyết tâm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đánh bại âm mưu leo thang chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “tiên đoán” sớm về việc Mỹ sẽ đem B.52 đánh ra Hà Nội. Ở đó có một lưới lửa phòng không nhiều tầng được Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam và các đơn vị chiến đấu giăng sẵn để chờ B.52. Ở đó có những chiến công và sự hy sinh… Trên tất cả, quân và dân Hà Nội đã làm nên một chiến thắng lịch sử và buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký hiệp định Paris và rút quân về nước.
Triển lãm “Từ mặt đất đến bầu trời” mong muốn góp phần làm rõ hơn về một thế trận phòng không mà quân và dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc Việt Nam đã chuẩn bị, chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược với mật danh Linerbaker II của Mỹ. Đặc biệt là vai trò chỉ huy, kết nối thông suốt các mặt trận từ căn hầm Chỉ huy Tác chiến (Hầm T1).
Cùng với không gian triển lãm được tổ chức tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, một triển lãm có tên gọi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng được diễn ra tại Bảo tàng Chiến thắng B.52. Đây là sự nối tiếp của 2 phần nội dung trong chương trình hợp tác, và làm rõ hơn về một trong những chiến thắng quan trọng trong lịch sử quân sự Việt Nam: “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Chủ đề 1: "Hà Nội không bất ngờ!", gồm 2 tiểu chủ đề. Như Bác Hồ đã nhận định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống, càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội.
Trưng bày các hình ảnh về Lực lượng Phòng không - Không quân Việt Nam tham gia chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972 và Lực lượng của Mỹ huy động tham gia Chiến dịch Linerbaker II.
Chủ đề 2: "Từ mặt đất đến bầu trời" gồm 4 tiểu chủ đề.
Trong đó, "Từ Tổng Hành dinh đến các trận địa" có nội dung: Từ Tổng hành dinh trong những ngày cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sau khi ra mệnh lệnh chiến đấu cho các đơn vị, theo dõi sát trận đánh đã gọi điện xuống các sư đoàn Phòng không, động viên bộ đội. “Cả nước đang hướng về Hà Nội, toàn thế giới đang hướng về Hà Nội. Từng giờ, từng phút, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương theo dõi cuộc chiến này. Vận mệnh Tổ quốc đang nằm trong tay các chiến sĩ Phòng không bảo vệ Hà Nội” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh máy bay B.52 tại sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, năm 1972 |
"Mặt đất lập công" có nội dung: Các phi đội ném bom B.52 của Không lực Hoa Kỳ tại căn cứ Không quân Andersen ở Guam được thông báo về Chiến dịch Linebacker II. Chiến dịch bắt đầu vào 10h30 phút ngày 17/12/1972 khi Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc.
“Trên bầu trời bay hàng chục cái, hàng trăm cái như thế mình chọn làm thế nào cho đúng chiếc B.52 nằm trong các dải nhiễu ấy thì đây là một trong những khó khăn của bộ đội phòng không không quân…” chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt - Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tên lửa 57).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng kể: “Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Tổng Hành dinh làm việc 24/24 giờ. Các đồng chí cơ yếu, quân báo, tác chiến, thông tin… mắt hõm sâu qua những đêm thức trắng... Tôi thường xuyên gọi điện cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn Phòng không Hà Nội… đặc biệt nhấn mạnh phải khẩn trương ráp đạn, tiết kiệm đạn, đạn tên lửa chỉ dùng để đánh B.52”.
Hình ảnh trưng bày tại triển lãm |
Thành quả là những “Xác máy bay B.52 bị bắn rơi, cháy đỏ rực. Các mảnh vỡ bay tung tóe...” như chia sẻ của ông Trần Đức Thịnh - Nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Cột cờ).
"Trên không chiến thắng"tập trung vào nội dung các máy bay của ta do những anh hùng phi công xuất sắc đã xuất kích như Phi công anh hùng Nguyễn Đức Soát, Nguyễn Nhật Chiêu, Phi công Phạm Tuân, Phi công Vũ Xuân Thiều, Phi công đánh đêm Bùi Zoãn Độ - người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ cuối cùng trong cuộc không chiến 12 ngày đêm năm 1972…
"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" có nội dung: Với tinh thần “Quyết chiến, Quyết thắng” người Hà Nội trả lời: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là con người” đã trở thành biểu tượng của chiến thắng trong chiến dịch “ Điện Biên Phủ trên không”. Hay là những hình ảnh về quân và dân Thủ đô Hà Nội với niềm vui chiến thắng B.52, tập trung dưới các loa phóng thanh, chăm chú theo dõi tin về việc ký kết hiệp định Paris, lễ ký chính thức Hiệp định Paris về Việt Nam tại Trung tâm các hội nghị quốc tế, Paris thủ đô nước Pháp. Sự vui mừng, hạnh phúc của Đảng, Chính phủ cùng các tầng lớp Nhân dân Hà Nội khi đón cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh vừa hoàn thành thắng lợi từ Paris về tới Hà Nội, sáng mùng 1 Tết Quý Sửu, (ngày 3/2/1973).
Người Hà Nội trả lời: “Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không thể sập được đó là CON NGƯỜI” Biểu tượng của chiến thắng (Nguồn: TTXVN) |
Ngoài ra tại triển lãm còn có hệ thống các poster và không gian trải nghiệm phố phường Hà Nội vào thời điểm năm 1972 phần nào giúp công chúng hình dung rõ nét hơn về cuộc chiến đấu, cuộc sống đầy gian khổ, hy sinh, nhưng cũng hết sức ngoan cường, bền bỉ và anh dũng của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước trong đó nòng cốt là Bộ đội Phòng không - Không quân, nổi bật là tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của quân và dân Thủ đô.
Từ đó mong muốn tái hiện và dẫn dắt du khách hòa vào trong bầu không khí khẩn trương, hồi hộp, gấp gáp, căng thẳng, lo âu khi chuẩn bị đón máy bay, xuống hầm trú ẩn và những đau thương, mất mát, đổ nát của Thủ đô trong 12 ngày đêm gian khổ đó qua những bức ảnh tư liệu.