Khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, bình ổn giá thị trường để đảm bảo đời sống người lao động
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại hội nghị |
Báo cáo về những kết quả công tác Công tác chăm lo Tết và tình hình công nhân viên chức lao động trên địa bàn dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Quý Mão và tháng 1/ 2023, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết: Để thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân viên chức lao động, với phương châm đảm bảo cho mọi công nhân lao động đều có Tết, Ban Thường vụ LĐLĐ TP Hà Nội đã sớm ban hành các kế hoạch cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Công đoàn TP tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chính sách; Tổ chức các chuyến xe đưa công nhân lao động về quê đón Tết; Tổ chức bán hàng bình ổn giá; khám chữa bệnh miễn phí cho công nhân lao động...
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các cấp Công đoàn đã chi trên 144 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động thông qua nhiều hoạt động. Trong đó, LĐLĐ TP Hà Nội và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã dành nguồn kinh phí hơn 74 tỷ đồng, chi hỗ trợ cho gần 90 ngàn đoàn viên, người lao động khó khăn.
Bên cạnh đó, với tinh thần nỗ lực vượt khó, đa số doanh nghiệp vẫn cố gắng bảo đảm tiền lương, thưởng Tết cho người lao động với mức cao hơn năm 2022.
Qua nắm bắt tình hình, tư tưởng công nhân lao động trên địa bàn TP trong những ngày đón Xuân Quý Mão ổn định, vui mừng phấn khởi, an toàn và tiết kiệm. Dư luận công nhân viên chức lao động đánh giá cao sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức Công đoàn đã quan tâm hỗ trợ, động viên, thăm hỏi kịp thời những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán.
Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Quang Thanh cho biết, sự quan tâm, chăm lo chu đáo của TP, các cấp ngành, đặc biệt của tổ chức Công đoàn là lý do quan trọng để công nhân lao động an tâm, tin tưởng, quay trở lại xưởng sản xuất đúng thời hạn quy định. Tính đến ngày 30/1 (mùng 9 tháng Giêng năm Quý Mão), có 99,2% doanh nghiệp tại Hà Nội đã "mở xưởng" để sản xuất. riêng ngành Dệt may thấp hơn do thiếu đơn hàng.
"Hiện LĐLĐ TP Hà Nội đã và đang tiếp tục triển khai việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, theo tinh thần Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam" - ông Phạm Quang Thanh thông tin.
Đề cập đến tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, mong muốn của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đó là được đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập, đời sống.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, Chủ tịch LĐLĐ TP kiến nghị Chính phủ và các cấp, ngành có những giải pháp kịp thời, thiết thực để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất nhằm duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Ngoài ra, Chủ tịch LĐLĐ TP bày tỏ: Đối với lực lượng lao động sản xuất trực tiếp vốn là nhóm yếu thế hơn so với các lực lượng đoàn viên Công đoàn khác và rất nhạy cảm trước sự biến động của giá cả tiêu dùng nên đối với họ, vấn đề bình ổn giá cũng có ý nghĩa quan trọng.
Khi thu nhập chưa cao, phúc lợi không tăng, người lao động rất mong muốn Chính phủ quan tâm có giải pháp giữ bình ổn giá để người lao động có thể đảm bảo chi tiêu, sinh hoạt trong điều kiện thu nhập còn hạn hẹp.