Kết thúc 2018, ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingoup.
Bài liên quan
Hà Nội: Giảm lỗ gần 4.300 tỷ đồng qua thanh tra thuế năm 2018
Nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động!
Sabeco phản ứng việc Cục thuế TP. HCM cưỡng chế thuế hơn 3.000 tỷ đồng
Trong năm 2018, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều biến động. Chính vì vậy, danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam cũng đã có xáo trộn nhưng người dẫn đầu vẫn là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup.
Năm qua, Vingroup khiến dư luận cả nước cảm thấy thán phục khi cho ra mắt tổ hợp sản xuất xe điện và ôtô VinFast với thương hiệu "Made in Việt Nam". Cùng với đó là lấn sân sang lĩnh vực sản xuất điện thoại, công nghệ phần mềm.
Hiện, với việc sở hữu gần 724 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, tương đương 27,4% cổ phần (kết thúc phiên giao dịch cuối cùng năm 2018, cổ phiếu VIC chốt ở mức giá 95.300 đồng/cổ phiếu), người đàn ông sinh năm 1968 đang có khối tài sản tương đương gần 69.000 tỷ đồng.
Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingoup. |
Ông Phạm Nhật Vượng cũng là 1 trong 4 doanh nhân Việt Nam được tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD năm 2018. Ông được tạp chí Forbes vinh danh lần đầu vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD.
Người xếp sau ông Phạm Nhật Vượng là ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland (cổ phiếu NVL); trong năm 2018, nhờ cổ phiếu NVL tăng mạnh thị giá nên tài sản của ông Nhơn cũng tăng mạnh. Hiện với việc sở hữu 336,6 triệu cổ phiếu NVL, tương đương 39,3% cổ phần Tập đoàn Novaland, ông Nhơn đang có khối tài sản khoảng 21.600 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland. |
Được biết, ông Bùi Thành Nhơn sinh năm 1958, là cử nhân ngành chăn nuôi thú y và cử nhân quản trị kinh doanh cao cấp HSB Tuck School of Business tại Đức. Năm 2016, với việc 589,4 triệu cổ phiếu NVL chào sàn chứng khoán TP. HCM với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 50.000 đồng/cổ phiếu, ông Bùi Thành Nhơn chính thức có mặt trong top người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo xếp ở vị trí 3. Kết thúc năm 2018, với việc sở hữu 168,5 triệu cổ phiếu VJC của Vietjet Air và gần 36 triệu cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP phát triển TP. HCM (HDBank) khối tài sản của bà Thảo là 21.300 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air. |
Được biết, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 và là một trong những nữ doanh nhân thành công nhất Việt Nam hiện nay. Bà Thảo hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico Holdings; Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giá đốc Vietjet Air, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank.
Mới đây, tạp chí danh tiếng Forbes đã công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới, trong đó có bà Nguyễn Thị Phương Thảo với vị trí thứ 44. Hiện bà Thảo cũng là 1 trong 4 doanh nhân được Forbes vinh danh trong bảng xếp hạng tỷ phú USD năm 2018 cùng với ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát.
Đáng chú ý nhất là sự sa sút của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. Có thời điểm ông Quyết là người dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với ông Phạm Nhật Vượng.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC. |
Ông Trịnh Văn Quyết hiện đang sở hữu hơn 289 triệu cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC; 318,5 triệu cổ phiếu ROS của Công ty CP xây dựng FLC Faros và 5,78 triệu cổ phiếu ART của Công ty CP Chứng khoán Artex.
Vị trí của ông Quyết trên bảng xếp hạng có sự đóng góp rất lớn từ tài sản tại cổ phiếu ROS nhưng năm 2018 thì khá tồi tệ với cổ phiếu này nên tài sản của ông Quyết cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết thúc phiên giao dịch 28/12, cổ phiếu ROS đang ở mức giá 38.700 đồng/cổ phiếu, giảm 74,60% so với thời điểm đầu năm.
Hiện doanh nhân sinh năm 1975, quê Vĩnh Phúc đang sở hữu khối tài sản khoảng 13.800 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Mặc dù có khối tài sản rất lớn, nhưng ông Quyết không được tạp chí danh tiếng Forbes đánh giá cao và bằng chứng là không xếp vào danh sách các tỷ phú USD dù có thời điểm khối tài sản của ông lên tới hơn 50.000 tỷ đồng.
Ở vị trí thứ 5 là Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup với khối tài sản gần 11.900 tỷ đồng. Bà Hương hiện sở hữu 124,8 triệu cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup.
Được biết, bà Phạm Thu Hương sinh năm 1969, là vợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bà Hương có bằng Cử nhân Luật Quốc tế và đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty CP Vincom Retail.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. |
Đáng tiếc nhất là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, người được Tạp chí Forbes vinh danh 1 trong 4 doanh nhân của Việt Nam là tỷ phú USD, kết thúc năm 2017 là người giàu thứ 3 Việt Nam nhưng hiện tại chỉ đứng thứ 6 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc năm 2018, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát giảm 7,54%, ở mức 30.950 đồng/cổ phiếu. Với việc sở hữu 381,5 triệu cổ phiếu HPG, ông Trần Đình Long đang có khối tài sản khoảng 11.800 tỷ đồng. Được biết, ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Hải Dương. Ông được biết đến là một doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép.
Ở vị trí thứ 10 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là bà Vũ Thị Hiền. Với 154,7 triệu cổ phiếu HPG đang nắm giữ tại Tập đoàn Hòa Phát, bà Hòa đang có khối tài sản khoảng 4.800 tỷ dồng.
Được biết, bà Vũ Thị Hiền là vợ của ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Bà Hiền có thể gọi là người phụ nữ “giàu có và bí ẩn” nhất sàn chứng khoán vì ngoài việc là vợ ông Long thì không có thêm bất cứ một thông tin nào về bà này.