Kết nối nguồn lực trồng rừng, kiến tạo Việt Nam xanh hơn
Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Để giải quyết thách thức thiên niên kỷ này, việc giữ rừng và phát triển rừng có vai trò then chốt để tạo ra bể chứa carbon cũng như giảm thiểu các thiệt hại thiên tai.
Đại diện vườn quốc gia và khu bảo tồn tham gia giải đáp các câu hỏi về dự án trồng rừng |
Cụ thể, Việt Nam đang tập trung thực hiện đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025; Trong đó có ít nhất 310 triệu cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.
Bà Huyền Đỗ - nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Trong mùa mưa năm nay, hàng loạt vụ sạt lở, ngập lụt nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở khu vực miền Trung và miền Bắc. Dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đến sớm hơn mọi năm, cụ thể là vào tháng 12 năm nay do ảnh hưởng của hiệu ứng El Nino kết hợp với biến đổi khí hậu.
Hơn 60 đại diện 33 doanh nghiệp tham gia tìm hiểu mô hình trồng rừng bền vững tại Đồng Nai |
Trước sự gia tăng về mặt cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan, việc trồng phục hồi rừng tự nhiên mang tính khẩn cấp và sống còn. Các khu rừng có tác dụng như lá chắn gió, bão, điều tiết nước, giữ đất… giúp hạn chế thiệt hại do thiên tai cũng như hấp thụ khí thải nhà kính ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xã hội hóa trồng rừng là giải pháp chiến lược để đẩy nhanh tốc độ trồng rừng cũng như tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên. Đó cũng chính là lý do, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống trọc, phục hồi rừng nghèo kiệt, trải nghiệm thiên nhiên, các chương trình truyền thông lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng, ý nghĩa của hoạt động trồng rừng”.
Đại diện các doanh nghiệp trải nghiệm hoạt động chăm sóc rừng |
Đồng hành cùng chương trình, đại diện các doanh nghiệp được trực tiếp đến thăm các khu rừng đã được triển khai trồng mới và tham gia tọa đàm giữa rừng xanh. Thông qua chương trình, các doanh nghiệp có thêm những thông tin thực tế về các chương trình trồng rừng, cập nhật về đề án 1 tỷ cây xanh của Chính phủ, thị trường carbon tại Việt Nam do ông Nguyễn Nam Sơn - đại diện Cục Lâm nghiệp chia sẻ.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn tham gia tọa đàm “Kiến tạo doanh nghiệp bền vững, hạnh phúc” với sự tham dự của đại diện Công ty Saitex và onsemi - hai tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực may mặc và công nghệ lấy bền vững là cốt lõi và định hướng cho kế hoạch phát triển. Ngoài ra, các đại biểu cũng dành thời gian tìm hiểu hoạt động kết nối nhân viên và trải nghiệm tắm rừng, kết nối với rừng.
Đại diện các doanh nghiệp trải nghiệm hoạt động chăm sóc rừng |
Tham gia chương trình, bà Phạm Thị Kim Hoàng, Trưởng phòng Nhân sự Công ty onsemi chia sẻ: “Trong năm nay, hơn 100 lãnh đạo, nhân viên và đối tác của onsemi đã đồng hành trồng 500 cây rừng, phủ xanh 1,25ha rừng Đồng Nai. Đây là một trong những hoạt động hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040 của tập đoàn. Đồng thời, sự kiện cũng là chương trình gắn kết đội ngũ lành mạnh góp phần xây dựng nên một onsemi bền vững, người lao động hạnh phúc.
Với những phản hồi tích cực từ tập thể nhân viên sau chuyến đi, onsemi đã quyết định tiếp tục đồng hành tổ chức Việt Nam xanh hơn với mong muốn được lan tỏa chương trình đến cộng đồng doanh nghiệp để trồng rừng, kiến tạo nên hệ sinh thái bền vững và hạnh phúc”.
Tọa đàm kiến tạo doanh nghiệp hạnh phúc có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp Saitex và onsemi |
Trong 10 tháng năm 2023, với sự góp sức của 35 doanh nghiệp, tổ chức và 1.268 cá nhân, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã trồng được 64.370 cây, phủ xanh 76,41ha trên 5 khu rừng. Ngoài ra, các đơn vị và tình nguyện viên còn trồng 70ha rừng Cà Mau với ước tính tái sinh được 350.000 cây mắm trắng.
Các khu rừng được đội ngũ Gaia phối hợp với ban quản lý các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên chăm sóc, giám sát trong vòng 4 - 6 năm nhằm bảo đảm tỷ lệ sống đạt 70 - 85%. Quá trình trồng rừng và các báo cáo giám sát rừng được công khai minh bạch để các đơn vị và cá nhân góp rừng có thể truy cập được.
Cùng với các hoạt động trồng rừng và trải nghiệm thiên nhiên, Gaia còn triển khai các hợp phần về sống xanh và giảm thiểu rác thải nhựa; Các chương trình kết nối cộng đồng và những tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ vườn quốc gia và khu bảo tồn, cũng như tham gia các chương trình tọa đàm, chia sẻ, triển lãm. Những chương trình này đã giúp người tham gia nâng cao hiểu biết và củng cố tình yêu với thiên nhiên, sẵn sàng hành động bảo vệ môi trường.
Bà Huyền Đỗ - nhà sáng lập và Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia chia sẻ về hoạt động trồng và giám sát rừng tại rừng Đồng Nai |
Kết thúc hành trình Việt Nam xanh hơn, cả đoàn đã có một ngày hữu ích và ý nghĩa có thêm những thông tin bổ ích về các chương trình trồng rừng, kiến tạo doanh nghiệp hạnh phúc bền vững và mở rộng kết nối với những người bạn mới tuy khác lĩnh vực làm việc nhưng lại cùng chung một mục tiêu hướng đến Việt Nam xanh. Đan xen vào đó là những phút giây thư giãn và bất ngờ khi được khám phá hệ sinh thái rừng khô nhiệt đới với chuyên gia bảo tồn, trải nghiệm tắm rừng giúp tăng cường sức khỏe và thanh lọc tâm trí.
Trong thời gian tới, Gaia tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa chương trình “Trồng và giám sát rừng” tại các khu rừng đặc dụng đầu nguồn khắp Việt Nam, đặc biệt là tại Vườn quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia mũi Cà Mau.
Cùng với đó, đơn vị sẽ tiếp tục phát triển thêm các chương trình dọn rác bờ biển, truyền thông nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng, góp phần kiến tạo một Việt Nam xanh hơn, bền vững hơn.
Tính đến ngày 31/12/2020, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 42%, tương ứng với 16 triệu héc-ta. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu vực là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên. |