Cả hệ thống chính trị quyết tâm ứng phó
Đã khống chế được cháy rừng tại Cà Mau Thiên nhiên tái sinh kì diệu nơi cánh rừng Net Zero Đất Mũi |
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh này đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày của Bộ Chính trị, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2030: Phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn đủ năng lực cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Về ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội. Trong đó, tỉnh tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người, tài sản do triều cường, ngập úng, sạt lở đất so với giai đoạn 2015 - 2025. Bảo đảm 90% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; ít nhất 80% các hộ dân sinh sống nơi có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất được di dời đến nơi an toàn.
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm 25% cường độ phát thải khí nhà kính so với mức phát triển bình thường (Ảnh: Vũ Phương Nhi) |
Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với biến đổi khí hậu được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt các công trình phòng, chống thiên tai, ngăn triều cường, xâm nhập mặn, trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chống ngập úng ở các đô thị và các thị trấn khu vực ven biển.
Cà Mau đặt mục tiêu giảm 25% cường độ phát thải khí nhà kính so với mức phát triển bình thường (mức giảm tự nguyện); đạt mức tiết kiệm năng lượng 10% - 20% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh (tương đương từ 2% - 4%/năm). Đồng thời, tỉnh sẽ hình thành và phát triển các cơ sở công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo.
Cà Mau sẽ tiếp tục điều tra, đánh giá tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng trên địa bàn tỉnh. Quy hoạch, quản lý và khai thác bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất; nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm tỉ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%.
Tỉnh Cà Mau có 142.000ha rừng |
Khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước ngọt, đặc biệt ở các khu vực ven biển, vùng ngọt hóa, vùng sâu, vùng xa và các đảo.
Bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; giữ ổn định 38 ngàn ha đất trồng lúa; phấn đấu diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 5.000 ha. Chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng luợng theo huớng tăng tỉ lệ các nguồn năng luợng tái tạo.
Về bảo vệ môi trường, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu trên 50% nước thải đô thị được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đối với đô thị loại II và 30% đối với đô thị còn lại; 80% khu, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi truờng.
Diện tích các khu vực ô nhiễm môi trường đất do hóa chất độc hại tồn lưu được xử lý, cải tạo và phục hồi; phấn đấu 100% dân cư đô thị và 95% dân cư được cung cấp nước sạch, 100% dân cư được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó ít nhất 80% dân cư được sử dụng nước sạch đạt chuẩn.
Độ che phủ rừng và cây phân tán của tỉnh Cà Mau đến năm 2030 lên 27% so với năm 2020; diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển được bảo tồn đạt ít nhất 0,16% diện tích tự nhiên vùng biển của tỉnh.
Diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt ít nhất 4,77% diện tích lãnh thổ đất liền của tỉnh; bảo đảm duy trì diện tích các khu đất ngập nước, khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng; danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và hiệu ứng El Nino, thì việc giữ và phát triển rừng ngập mặn ở tỉnh Cà Mau có ý nghĩa vô cùng quan trọng (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (bìa phải) trồng rừng tại bãi biển xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) |
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, diễn biến của thiên tai rất khó lường, khi xảy ra thì hậu quả để lại rất lớn.
Do đó, để giảm thiểu thiệt hại cũng như nhanh chóng khắc phục hậu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phải đặt công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng. Công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân, toàn xã hội.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết: "Tỉnh đã và đang tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước di dời, sắp xếp lại các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.
Tỉnh từng bước xây dựng hoàn thiện, hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi, phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững; đầu tư, hoàn thiện hệ thống đê biển đảm bảo an toàn chống bão, ngăn triều; xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, vật liệu mới, các giải pháp thân thiện với môi trường".