Kết nối giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số
Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội năm 2024, nhằm quảng bá lợi ích của công nghệ xanh trong phát triển kinh tế bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, cũng đã diễn ra Triển lãm xúc tiến đầu tư, giao thương về các giải pháp chuyển đổi sản xuất xanh trong nền kinh tế số. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư và công chúng bởi sự đa dạng trong các sản phẩm và giải pháp thân thiện với môi trường.
Các đại biểu tham quan các gian hàng tại Triển lãm |
Triển lãm với quy mô 2.500 m2, khoảng 70 gian hàng đã thu hút hàng chục doanh nghiệp của Hà Nội và Thanh Hoá, Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Lào Cai tham gia.
Trong thời gian diễn ra triển lãm các doanh nghiệp đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp công nghệ xanh, sử dụng ít năng lượng, nước và tài nguyên thiên nhiên.
Sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển bền vững và các sản phẩm thuộc hệ sinh thái. Nhóm sản phẩm dệt may, phụ kiện từ sợi tre, sợi tơ tằm, tơ sen, sợi dứa, thổ cẩm, sản phẩm được sản xuất chất liệu từ thiên nhiên như sơ chuối, mây, tre, lá, cói, sợi bèo tây, sợi lục bình, lá cọ… Các sản phẩm làm từ bột ngô, bã mía, bã cà phê tự phân hủy sinh học…
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) |
Ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) nhấn mạnh: Chương trình là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và giải pháp hướng tới đầu tư và sản xuất xanh; là dịp để các nhà đầu tư và doanh nghiệp trao đổi, hợp tác, đẩy mạnh giao dịch, đưa các giải pháp công nghệ xanh vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh.
Thông qua chương trình này, Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các sản phẩm công nghệ như xe ô tô điện, xe máy điện của VinFast, thiết bị lọc nước và các giải pháp sử dụng công nghệ trong quản lý sản xuất. Những sản phẩm này không chỉ tiết kiệm năng lượng, mà còn giúp giảm lượng khí thải, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của thành phố.
Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh
Trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội và Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phối hợp tổ chức cuộc tọa đàm "Xây dựng hệ sinh thái thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển bền vững".
Tọa đàm đã tạo ra không gian thảo luận sôi nổi, cung cấp góc nhìn đa chiều về các xu hướng, cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi sản xuất xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.
TS. Mạc Quốc Anh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bí thư Đảng uỷ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội phát biểu tại Toạ đàm |
Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ và kết nối, thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức, và cộng đồng quốc tế. Đặc biệt, nông nghiệp hữu cơ được đánh giá là một trong những ngành tiên phong trong quá trình hướng tới kinh tế xanh, mang lại nhiều lợi ích về mặt môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu tại sự kiện, các đại biểu cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích từ phía Chính phủ cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp để thúc đẩy tiến trình này.
Các đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, quản lý nhà nước cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại một số địa phương về việc thực trạng, giải pháp thu hút doanh nghiệp chuyển đổi xanh; thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dệt may ứng dụng công nghệ xanh; chung tay xây dựng cộng đồng xanh cùng một số tổ chức quốc tế.
Tọa đàm cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại diện từ các tỉnh phía Bắc, nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái sản xuất xanh.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận về tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam nói chung, khu vực phía Bắc nói riêng; định hướng, khung pháp lý, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư xanh trong thời gian tới; Vai trò của vốn trong chuyển đổi sản xuất xanh; Kết nối thị trường sản phẩm hữu cơ Việt Nam theo hướng bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại HEMR, bà Lê Thị Lan Hương, cho biết: “Chúng tôi tham gia triển lãm không chỉ để quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà còn mong muốn kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm xanh, giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và chuyển giao công nghệ sản xuất xanh để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường".
Với sự kiện này, Hà Nội không chỉ khẳng định vai trò tiên phong trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, mà còn khuyến khích các địa phương và doanh nghiệp cùng tham gia vào chuỗi sản xuất thân thiện với môi trường.