Kẽ hở trong đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ /small> Bài 2: Đưa tiền, giữ thẻ và không gọi đi học
Bài liên quan
Kẽ hở trong đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ - Bài 1: "Cho vay, cho mượn" và còn gì nữa?
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh về việc rất nhiều bộ đội xuất ngũ trước khi ra quân đều được tư vấn đi học nghề tại một số trường thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng như: Trường trung cấp nghề số 10 Bộ Quốc phòng (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội); Trường trung cấp nghề số 18 Bộ Quốc phòng (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội); Trường Cao đẳng nghề số 20 Bộ Quốc phòng (Cơ sở Hải Dương) và Trường Trung cấp nghề số 12 Bộ Quốc phòng (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) nhưng không được gọi đi học. Họ còn được nhận từ một số người giới thiệu là cán bộ các trường số tiền từ 500.000 -1.000.000 đồng.
Cán bộ tuyển sinh của Trường trung cấp nghề số 12 - Bộ Quốc Phòng đưa tiền cho rất nhiều trường hợp đăng ký học nhưng lại không đi học |
Trao đổi với PV, em Ngô Văn Dương (thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Tháng 1/2018, sau khi em xuất ngũ, có một người tên Công đến tận nhà, giới thiệu là cán bộ tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề số 12 tư vấn đăng ký theo học lái xe. Tuy nhiên, do thi thoảng mới được học 1 buổi nên em thấy không phù hợp và không theo học nữa thì vị cán bộ này đưa cho 900.000 đồng để mua lại thẻ học nghề.
Tương tự, em Nguyễn Văn Lưu (thôn Hạ, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), xuất ngũ năm 2019, cho biết: Có một người tên Công, giới thiệu là cán bộ Trường Trung cấp nghề số 12 đến nhà tư vấn tuyển sinh và giữ lại thẻ học nghề. Em chờ mãi không được gọi đi học nên đã xin làm công nhân tại một công ty ở KCN Vân Trung (huyện Việt Yên). Một thời gian sau, em có đến trường hỏi và được ông Công đưa cho số tiền 900.000 đồng.
Em Thân Hồng Trang (thôn Thượng Phúc, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nộp thẻ học nghề vào Trường Trung cấp nghề số 12 - Bộ Quốc phòng nhưng chờ mãi không thấy được gọi đi học. Sau đó em đến tận nơi hỏi thì được nhận 900.000 đồng |
Một trường hợp khác là em Thân Hồng Trang (thôn Thượng Phúc, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) mang thẻ học nghề nộp vào Trường Trung cấp nghề số 12 nhưng chờ mãi không thấy được gọi đi học. Sau đó em Trang lên trường hỏi và nhận 900.000 đồng từ người đàn ông tên Công ở phòng tư vấn tuyển sinh của nhà trường.
Nhiều trường hợp khác không học và được nhận tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng |
Bên cạnh các trường hợp nêu trên, còn có em La Văn Chức (thôn Sẩy, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) và một số bộ đội xuất ngũ khác, dù không đi học nhưng cũng được nhận 500.000 - 700.000 đồng từ người đàn ông tên là Công.
Điều đáng nói, tình trạng "đưa thẻ, nhận tiền và không gọi đi học" không chỉ xảy ra ở Trường Trung cấp nghề số 12 mà còn diễn ra ở một số trường khác thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng cũng với những hình thức tương tự.
Một người tự xưng là cán bộ tuyển sinh Trường Trung cấp nghề số 18 - Bộ Quốc Phòng tại huyện Thanh Trì, TP Hà Nội cũng đưa tiền rồi giữ thẻ học nghề của bộ đội xuất ngũ |
Cụ thể, em Phạm Công Hải (thôn 3, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhập ngũ tháng 2/2016, xuất ngũ tháng 1/2018. Khi chuẩn bị ra quân thì có một người xưng là Tạ Thị Ngọc, cán bộ tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề số 18 đến đơn vị đóng quân tư vấn cho em, giữ thẻ học nghề và đưa cho 1.000.000 đồng (?). Thời gian sau, em Hải muốn đi học nhưng không thấy nhà trường gọi dù nhiều lần liên hệ với bà Ngọc (?).
Thẻ học nghề của em Hải nộp vào Trung cấp nghề số 18 - Bộ Quốc Phòng tại Hà Nội từ năm 2018. Em Hải không được đi học và nhận 1.000.000 đồng từ cán bộ tuyển sinh |
Câu hỏi đặt ra tại sao lại có một số người xưng là cán bộ nhà trường tìm cách đưa tiền cho bộ đội xuất ngũ và giữ thẻ? Việc đưa tiền, lấy thẻ học nghề nhằm mục đích gì và có liên quan gì tới việc thanh quyết toán để lấy tiền ngân sách hay không?
(Còn nữa…)