Hướng tới cộng đồng bền vững, thích ứng với thiên tai
Tuần lễ Quốc gia về phòng, chống thiên tai diễn ra từ ngày 15 - 22/5/2022 với mục tiêu nâng cao nhận thức về một xã hội an toàn trước thiên tai để phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết: “Chủ đề của Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2022 là “Cộng đồng bền vững, thích ứng thiên tai” nhằm nhấn mạnh mục tiêu nâng cao tinh thần, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2022; Đồng thời tăng cường công tác thông tin, truyền thông nâng cao năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai đến người dân tại cơ sở hướng tới xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai".
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại buổi lễ |
Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn của trẻ em và môi trường, UNICEF Việt Nam, cho biết: “Trẻ em phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất do thiên tai gây ra. Thiên tai tác động tiêu cực đến sức khỏe, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trẻ em đồng thời cũng là tác nhân tạo nên sự thay đổi đối với cuộc sống của chính các em và tương lai của cộng đồng và quốc gia. Do đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng để trẻ em có thể tham gia vào quá trình chuẩn bị và ứng phó với thiên tai sẽ mang lại kết quả bền vững và lâu dài”.
Buổi lễ kỷ niệm là một trong những hoạt động thuộc dự án nhằm tăng cường khả năng ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em do UNICEF và Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ.
“Trẻ em thuộc các đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những vấn đề như vệ sinh không được đảm bảo, thiếu lương thực, khó tiếp cận với chăm sóc y tế hay giáo dục khi có thiên tai xảy ra. Chúng ta cần phải ngăn chặn những tình trạng đó. Không những thế, chúng ta cũng cần lưu ý và khuyến khích vai trò quan trọng của trẻ em trong gia đình và cộng đồng địa phương trong việc phòng chống thiên tai”, ông Jin Toriyama, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết.
Ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình Vì sự sống còn của trẻ em và Môi trường, UNICEF Việt Nam phát biểu tại buổi lễ |
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam bày tỏ cam kết hành động của địa phương về việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt chú ý tới đối tượng trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước.
“Phòng, chống thiên tai là công tác đòi hỏi sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn, báo chí và toàn cộng đồng. Thông qua hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Phòng, chống thiên tai tại tỉnh Sóc Trăng, tôi hy vọng chính quyền các cấp và người dân, đặc biệt là trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, những mầm xanh tương lai của đất nước sẽ tăng cường nhận thức, hiểu biết về thiên tai và công tác phòng, chống thiên tai, từ đó góp phần xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam nhấn mạnh.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai trao tặng Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai |
Buổi lễ là một trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về Phòng, chống thiên tai được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng. Các hoạt động khác bao gồm: Cuộc thi vẽ tranh ngoại khóa dành cho học sinh khối tiểu học và cuộc thi Rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững” dành cho học sinh khối trung học cơ sở của trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lai Hòa do Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và UNICEF Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng tổ chức.
Cả hai cuộc thi sau khi phát động đều thu hút được 100% học sinh nhà trường tham dự tranh tài sôi nổi, trở thành sân chơi bổ ích cho các em được học tập, bổ sung kiến thức. Đây là tiền đề để phổ biến và nhân rộng các cuộc thi tới nhiều trường học trên các địa phương khác của tỉnh, khu vực và toàn quốc.