Hướng dẫn dạy học môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm trong nhà trường
Dạy học tích hợp cho học sinh lớp 6: Những tín hiệu lạc quan, kỳ vọng vào sự đổi mới Các trường bắt nhịp dạy học tích hợp liên môn Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh dạy học tích hợp cấp THCS |
Trong văn bản này, Bộ GD&ĐT cho biết: Quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục phổ thông đã tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy việc phân công giáo viên và xếp thời khóa biểu để tổ chức dạy học theo chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục còn khó khăn.
Học sinh trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trong một giờ học |
Nhằm khắc phục vướng mắc nêu trên, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường theo các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Trong đó lưu ý các nhà trường thực hiện việc phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Môn Khoa học tự nhiên: Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các mạch nội dung theo chương trình
Với môn Khoa học tự nhiên, Bộ GD&ĐT lưu ý cần phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo các mạch nội dung: Chất và sự biến đổi của chất, Năng lượng và sự biến đổi, Vật sống, Trái Đất và bầu trời).
Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.
Về xây dựng kế hoạch dạy học: Tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các mạch nội dung theo chương trình môn học.
Trong trường hợp gặp khó khăn về xếp thời khóa biểu, cần xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung hoặc các chủ đề của chương trình để xếp thời khóa biểu phù hợp với việc phân công giáo viên; đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, tính sư phạm (bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau) và khả năng thực hiện của giáo viên.
Về tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá: Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học; giáo viên dạy học nội dung nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá đối với nội dung đó.
Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp với các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để thống nhất điểm đánh giá thường xuyên, bảo đảm số điểm đánh giá theo quy định, tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.
Ma trận, nội dung bài kiểm tra định kì được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của chương trình đến thời điểm kiểm tra; hướng dẫn học sinh làm bài kiểm tra sao cho thuận tiện trong việc phân công giáo viên chấm bài, tổng hợp kết quả.
Kế hoạch dạy học Lịch sử, Địa lý được xây dựng theo từng phân môn
Với môn Lịch sử và Địa lí, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo của giáo viên với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lí và các chủ đề liên môn).
Kế hoạch dạy học Lịch sử, Địa lý được xây dựng theo từng phân môn |
Việc phân công giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận dạy học toàn bộ chương trình môn học phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.
Về xây dựng kế hoạch dạy học: Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí. Các phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Về tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá: Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn.
Nội dung bài kiểm tra, đánh giá định kì phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách môn học ở mỗi lớp phối hợp các giáo viên cùng dạy học môn học ở lớp đó để tổng hợp điểm, ghi điểm, nhận xét vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện xây dựng theo từng chủ đề
Với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Bộ GD&ĐT yêu cầu phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa năng lực và chuyên môn của giáo viên với nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được đảm nhiệm. Ưu tiên phân công giáo viên phụ trách theo từng chủ đề để thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, hướng dẫn và đánh giá học sinh trong quá trình trải nghiệm theo yêu cầu cần đạt của chủ đề đó.
Xây dựng kế hoạch giáo dục: Kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được xây dựng theo từng chủ đề. Giáo viên được phân công đảm nhận chủ đề tổ chức cho học sinh tìm hiểu nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động; tổ chức cho học sinh luyện tập, thực hành trải nghiệm theo yêu cầu của chương trình và tổ chức cho học sinh báo cáo, thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện.
Việc xây dựng thời khóa biểu bảo đảm sự linh hoạt (không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần, không bắt buộc thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong sách giáo khoa); sao cho mỗi chủ đề được tổ chức thực hiện trong một khoảng thời gian phù hợp với kế hoạch của giáo viên trong thời gian đó.
Tổ chức thực hiện và kiểm tra, đánh giá: Giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu nội dung, phương pháp và hình thức trải nghiệm trước khi thực hiện hoạt động trải nghiệm theo yêu cầu cần đạt của chủ đề.
Đối với việc thực hiện hoạt động trải nghiệm, giáo viên tổ chức cho học sinh thực hành, rèn luyện và vận dụng theo nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động đã được hướng dẫn với yêu cầu cụ thể về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành.
Quá trình trải nghiệm có thể là hoạt động của cá nhân, nhóm nhỏ hoặc nhóm lớn, ở các không gian khác nhau trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường tùy theo nội dung và tính chất của hoạt động.
Trong quá trình học sinh thực hành trải nghiệm, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra quá trình thực hiện của học sinh.
Đối với đánh giá thường xuyên, giáo viên được phân công phụ trách chủ đề nào thực hiện đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó.
Hiệu trưởng phân công giáo viên chủ trì phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở mỗi lớp để phối hợp với các giáo viên được phân công tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở lớp đó thống nhất kết quả đánh giá thường xuyên, tổng hợp kết quả, ghi kết quả đánh giá vào sổ theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ.
Nội dung đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với nội dung và thời lượng thực hiện chương trình đến thời điểm đánh giá. Các giáo viên được phân công thống nhất về nội dung và yêu cầu đánh giá định kì; trong đó xác định cụ thể các tiêu chí đánh giá để đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình; chú trọng đánh giá thông qua sản phẩm hoạt động trải nghiệm của học sinh.