Dạy học tích hợp cho học sinh lớp 6: Những tín hiệu lạc quan, kỳ vọng vào sự đổi mới
Dạy học sinh tránh bị đầu độc trên mạng xã hội Cô giáo dùng thước sắt đánh học sinh phải tạm dừng dạy học |
Tích hợp như thế nào?
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm học 2021 - 2022, xuyên suốt chương trình Lịch sử và Địa lý ở bậc THCS có 4 chủ đề tích hợp, bao gồm: Phát kiến địa lý - đô thị trong lịch sử; Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Cửu Long; Chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở 2 phân môn.
Còn môn Khoa học tự nhiên được thiết kế thành 4 mạch chủ đề, gồm: Chất và sự biến đổi của chất; Vật sống; Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất, bầu trời.
Việc dạy học tích hợp đối với học sinh lớp 6 dù còn nhiều khó khăn nhưng được kỳ vọng sẽ đem lại những hiệu quả giáo dục tích cực đối với học trò |
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên của các lớp 6, 7, 8, 9 đều có ba phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lý, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian chi tiết.
Theo đó, lớp 6: Hóa học (20%) - Sinh học (38%) - Vật lý (32%). Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lý (28%) - Sinh học (38%). Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lý (28%) - Sinh học (31%). Lớp 9: Vật lý (30%) - Hóa học (31%) - Sinh học (29%). Như vậy, ở mỗi lớp, các chủ đề thuộc mỗi lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học do giáo viên có chuyên môn tương ứng phụ trách và được thực hiện gọn trong mỗi năm học.
Là giáo viên Toán, khi chuyển sang dạy tích hợp, cô P giáo viên một trường THCS ở Hà Nội lúng túng vì chưa hình dung ra bản thân sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao, kiến thức bồi dưỡng tập huấn môn Vật lý không nhiều.
Cô cho rằng, một giáo viên dạy ba môn rất khó, ngoài các đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn thì mỗi người lại có những đam mê riêng. Giáo viên chỉ có thể giỏi một môn, một lĩnh vực, không thể giỏi toàn diện. Giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực Hoá, Lý, Sinh thì việc dạy học sẽ tốt hơn, trách nhiệm giáo viên trên lớp cao hơn thay vì kiêm nhiệm như năm học tới.
Bình tĩnh đón nhận…
Khi đã quá quen với phương pháp dạy học cũ, việc thay đổi sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu nhưng cô Hồ Thuận Yến, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, Hà Nội) đánh giá sự thay đổi này là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn phát triển của giáo dục, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả tích cực đối với sự phát triển của học trò.
Cô Yến nêu vấn đề: “Trước đây, khi chúng ta mới áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1, chẳng phải dư luận cũng có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau khen, chê. Thế nhưng, thực tế sau 1 năm dạy học, qua công tác đánh giá lại cho những hiệu quả bất ngờ khi học sinh phát triển cả kiến thức và kỹ năng một cách toàn diện. Đó là điều mà chúng ta nên nhìn nhận một cách khách quan khi tiếp nhận những thay đổi mới mẻ”.
Đi vào vấn đề dạy học tích hợp đối với học sinh lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021 - 2022, cô Yến chia sẻ: “Giáo viên sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, tuy nhiên, tôi tin nếu được tập huấn một cách bài bản, sinh hoạt, trao đổi chuyên môn thì việc dạy học hoàn toàn không có gì khó khăn”.
Tại trường THCS Hoàng Hoa Thám, để chuẩn bị cho việc dạy học tích hợp ở lớp 6 bắt đầu từ năm học tới, nhà trường đã rà soát đội ngũ giáo viên, phân công giáo viên dạy học đồng thời phối hợp với Phòng GD&ĐT quận để phân công giáo viên tìm hiểu về chương trình sách giáo khoa lớp 6 nhằm làm rõ mạch kiến thức, liên hệ các môn học với nhau từ đó xác định nội dung dạy học từng môn.
Theo Hiệu trưởng nhà trường, đối với giáo viên trước đây được đào tạo cao đẳng sư phạm, việc dạy tích hợp sẽ dễ dàng hơn so với giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn. Để triển khai chương trình có hiệu quả, việc sinh hoạt chuyên môn theo tổ, nhóm là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Giáo viên phải hiểu được sách giáo khoa, liên hệ kiến thức liên môn liền mạch mới giúp học sinh hiểu được bản chất của vấn đề.
“Chúng tôi đề ra giải pháp đào tạo giáo viên, giúp giáo viên bổ sung kiến thức ở các bộ môn mà giáo viên đó không được đào tạo; tạo điều kiện sinh hoạt chuyên môn ở bộ môn liên môn. Tôi cũng hi vọng các cơ sở đào tạo có sự hỗ trợ đối với cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên theo hình thức bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng định kỳ”, cô Hồ Thuận Yến cho biết.
Khẳng định sự tiến bộ, phù hợp xu thế phát triển giáo dục khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) Đặng Việt Hà chia sẻ: “Qua các buổi tập huấn về sách giáo khoa mới lớp 6 bắt đầu từ năm học 2021-2022, có thể nhận thấy đây là lần đầu tiên ở Việt Nam tích hợp môn học bậc phổ thông nhưng mới chỉ là tích hợp ở mức độ nông.
Trong cùng một quyển sách nhưng vẫn rõ nội dung kiến thức của từng đơn môn, tạo điều kiện cho nhà trường có kế hoạch phân công cụ thể giáo viên dạy. Sẽ có những khó khăn ban đầu, tuy nhiên nhà trường và thầy cô giáo thấy rõ đây là chương trình rất tiến bộ và cần thiết nên sẵn sàng đón nhận và có kế hoạch tiếp cận cụ thể”.
Tại trường THCS Chu Văn An, trong năm học 2020-2021, dù chưa dạy SGK mới và chương trình mới nhưng nhà trường cùng với Phòng GD&ĐT quận đã tổ chức tập huấn để thầy cô giáo tiếp cận với chương trình mới. Đầu tiên là tiếp cận về tinh thần, quan niệm đổi mới dạy học. Sau đó tiếp cận tới khung chương trình, dạy những nội dung gì. Nhà trường cũng lựa chọn giáo viên có tay nghề vững vàng để tập huấn.Về cơ sở vật chất cũng sẽ phải được chú trọng, đầu tư vì chương trình học cần các trang thiết bị, cơ sở để học sinh trải nghiệm.
Trường THCS Chu Văn An sẽ căn cứ vào số bài học của các đơn môn trong liên môn để có sự phân công cho hợp lý. Với việc học các môn tích hợp, học sinh sẽ thấy thú vị vì các em sẽ hiểu được bản chất của kiến thức mình học, ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Cô trò cùng nhau trải nghiệm, tìm ra kiến thức mới thay vì chờ giáo viên cung cấp kiến thức và ghi nhớ.
Để chương trình dạy học tích hợp có hiệu quả, thầy Hà cũng đề xuất cần sự tuyên truyền rộng rãi tới phụ huynh, học sinh và toàn xã hội hiểu được cốt lõi của việc đổi mới là tiến bộ, phù hợp, cùng đồng hành để bước qua những khó khăn ban đầu. “Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn nhanh chóng có những quy chuẩn đào tạo giáo viên để họ có thể dạy các môn tích hợp chuyên sâu. Song hành với việc dạy học thì việc đổi mới trong công tác thi cũng vô cùng quan trọng và cần thiết. Cần có những câu hỏi vận dụng thay vì các câu hỏi cần sự ghi nhớ, học thuộc lòng của học sinh”, thầy Hà nêu quan điểm.