Hội Nhà báo sẽ là nơi tập hợp, thảo luận dân chủ, khách quan về các vấn đề mới
Khai mạc phiên trù bị Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI |
Cụ thể, nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ: Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội XI HNBVN với chủ đề: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, xây dựng đội ngũ người làm báo và nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn chuyên nghiệp, hiện đại”, chúng tôi rất tâm đắc với một mục trong phần giải pháp đó là “đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động của các cấp hội và tăng cường sự chỉ đạo thường xuyên của Trung ương Hội tới tất cả các cấp hội về các hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới”. Điều này thực sự rất cần thiết bởi đây là một nhiệm kỳ mà nảy sinh ra vô cùng nhiều vấn đề, đặc biệt là từ những sức ép của dịch bệnh COVID-19.
Chúng ta thấy dịch bệnh đã làm thay đổi cách chúng ta sống, cách chúng ta giao tiếp và tạo ra rất nhiều những thay đổi trong truyền thông, trong báo chí toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam. Từ câu chuyện đại dịch COVID-19 và sự thay đổi của nền tảng công nghệ số đã dẫn tới cách thức chúng ta làm báo có nhiều thay đổi. Vậy với những vấn đề đó, chúng ta sẽ ứng xử như thế nào? Tôi nghĩ rằng, các nhà báo trong toàn quốc rất cần có những diễn đàn để thảo luận, để trao đổi thêm. Chúng tôi kỳ vọng rằng HNBVN sẽ giữ vai trò là nơi tập hợp, là diễn đàn thảo luận an toàn, dân chủ, cởi mở, khách quan các vấn đề mới.
Nhà báo Tạ Bích Loan. |
Tất nhiên là, dù chúng ta có làm gì, có chuyển đổi đi đâu hay chúng ta có bước vào kỷ nguyên nào và có bao nhiêu sự thay đổi nữa trong cuộc đời này thì quay trở lại nguồn gốc giải quyết vẫn chính là ở bài toán con người và câu chuyện đạo đức người làm báo. Tôi lấy một ví dụ như vừa rồi một bộ phim tài liệu đặc biệt mà chúng tôi làm có tên là “Ranh giới”, đạo diễn đôi khi phải chạm tới “ranh giới” của quyền riêng tư khi đưa những cảnh rất đau thương trong bệnh viện vào bộ phim.
Một cuộc tranh luận rất lớn đã nổ ra giữa một bên cho rằng đây là chạm vào nỗi đau và chúng ta đang sử dụng nỗi đau của con người để làm báo. Nhưng mà đại đa số có ý kiến khác rằng, phải làm như thế bởi vì chúng ta cần cho người dân hiểu về thảm kịch COVID-19 đang đến mức nào, sự thật đang ở đâu. Vậy điều gì giúp chúng ta xác định rằng đâu là đúng, đâu là sai, đâu là chạm vào quyền riêng tư và đâu là không? Tôi cho rằng, câu trả lời là... vì công chúng.
Cuối cùng thước đo duy nhất đó là bạn làm điều ấy vì ai? Nếu như bạn làm điều ấy là vì đất nước, vì xã hội, vì sự thật, vì lợi ích chung của cộng đồng thì điều đó chấp nhận được. Còn nếu như bất cứ điều gì bạn làm vì bản thân mình thì ngay lập tức khán giả, độc giả vô cùng tinh tế sẽ nhận ra ngay. Chúng tôi kỳ vọng rằng, nhiệm kỳ mới chúng ta sẽ cùng với nhau tạo ra được những diễn đàn đổi mới, thảo luận về những vấn đề mới và đóng góp một cách hiệu quả cho hoạt động của các nhà báo trên khắp cả nước trong bối cảnh mới.
Để làm được điều ấy, nền tảng vững chắc của chúng ta chính là tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về báo chí, quy tắc tác nghiệp của HNBVN, 10 điều quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam, quy định sử dụng mạng xã hội của hội viên, nhà báo... Báo chí Việt Nam luôn vận động song hành cùng sự phát triển của đất nước, có vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội. Ở bất cứ thời kỳ nào, đạo đức báo chí luôn được đề cao.
Thực tiễn đã đặt ra cho công tác bồi dưỡng và rèn luyện đạo đức người làm báo cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc chuyển mình của nền cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Cùng với những quy định về đạo đức nghề nghiệp của HNBVN đặt ra thì mỗi cơ quan báo chí đều có những quy định riêng về tác nghiệp, về đạo đức hành nghề đối với phóng viên.
Với Đài Truyền hình Việt Nam chúng tôi cũng vậy, luôn coi đội ngũ làm nghề là kho tài sản vô giá, tạo ra thương hiệu cho Đài trong nhiều năm qua. Để có được lực lượng nhà báo giỏi nghề, tâm huyết là sự chỉ đạo sát sao và luôn quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Đài, Lãnh đạo các đơn vị cũng như sự nỗ lực phấn đấu của từng cá nhân.
Môi trường làm báo ở một cơ quan báo hình như VTV là môi trường luôn đề cao sự sáng tạo nhưng cũng không dễ dàng cho những người không biết cố gắng, thiếu sự nhiệt huyết nghề nghiệp. Đạo đức người làm báo luôn được đề cao và trở thành thước đo quan trọng cho sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của mỗi nhà báo của Đài THVN.
Xuất phát từ thực tế đó, năm 2012, qua quá trình xây dựng và nhận được ý kiến đóng góp của các nhà báo uy tín, Bản Quy tắc tác nghiệp của VTV ra đời, trở thành cẩm nang nghề nghiệp, công cụ tham chiếu trong quá trình tác nghiệp dành cho các phóng viên, biên tập viên của VTV. Bản Quy tắc này nêu ra 8 nguyên tắc tác nghiệp chính cho phóng viên, biên tập viên VTV. Đó là: Đảm bảo lợi ích dân tộc, lợi ích Quốc gia; Đảm bảo sự chính xác và trung thực; Đảm bảo sự công bằng; Đảm bảo không vụ lợi; Có trách nhiệm đối với xã hội; Đảm bảo sự riêng tư; Đảm bảo quyền lợi và lợi ích của trẻ em; Đảm bảo sự chuẩn mực về văn hóa và ngôn ngữ.
Bản Quy tắc tác nghiệp VTV ra đời đã củng cố thêm, bồi đắp thêm tinh thần trách nhiệm của nhà báo trong việc ứng xử với thông tin, chuyên nghiệp hơn trong làm nghề, nêu cao vai trò của đạo đức của người làm báo... Tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, giữ vững được giá trị đạo đức của những người làm báo cách mạng.
Ở đây tôi rất muốn trích một câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong lúc bão táp nhất người làm báo có thể nhớ: “Ta là ai?”, như ngọn gió siêu hình/Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt/“Ta vì ai?” khẽ xoay chiều ngọn bấc/Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh”. Có nghĩa là nếu như bạn làm một điều gì đó vì mọi người thì nó sẽ làm nảy nở lên những điều tốt đẹp và nó sẽ không bao giờ đi vào bế tắc. Làm báo vì công chúng và vì con người sẽ góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng nhân văn, trách nhiệm.
Cuối cùng tôi nghĩ rằng chuyển đổi số, những câu chuyện mới hay dịch bệnh, tất cả đều cần đưa ra thảo luận và tôi tin HNBVN sẽ là nơi tin cậy để đưa ra và tìm được câu trả lời: “Chúng ta sẽ làm gì có ích cho đất nước, cho xã hội trong thời gian tới?”.