Học lái xe bằng “cabin ảo”: Cần có thời gian thí điểm để đánh giá
Người dân vội vàng đăng ký học lái xe sớm
Theo quy định, từ ngày 1/7/2022, học viên học lái xe ô tô sẽ được thực hành trên cabin học lái xe ô tô. Theo đó, điều 1 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT quy định cơ sở đào tạo sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 31/12/2021. Trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/7/2022.
Thời gian học của mỗi học viên đối với nội dung này được quy định 3 giờ đối với chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2, C và 1 giờ đối với chương trình đào tạo nâng hạng lái xe (nâng hạng từ B1 tự động số lên B1 thì không phải học).
Trước thông tin về việc sắp tới sẽ bổ sung thêm phần mềm mô phỏng trong đào tạo và sát hạch lái xe, nhiều người đã vội vàng đăng ký học sớm. Chị Võ Thu Hằng (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi chưa có ý định mua ô tô trong khoảng hai năm tới. Tuy nhiên, khi biết thông tin từ ngày 1/7 sẽ áp dụng thêm phần mềm mô phỏng trong học, thi lấy giấy phép lái xe ô tô nên tôi quyết định đăng ký học để thi lấy bằng luôn. Khi nào có điều kiện mua xe, tôi sẽ đăng ký một khóa bổ túc lái xe sau".
Cùng quan điểm với chị Hằng, anh Phan Nhất Minh (ở phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: "Bản thân tôi là người không giỏi về công nghệ. Học thi lấy bằng lái xe ô tô vốn đã rất khó, nếu thêm phần mềm mô phỏng nữa chắc còn khó hơn. Vì vậy, tôi đã liên hệ với trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe để nộp hồ sơ học, thi lấy giấy phép lái xe ô tô luôn từ cuối tháng 3 vừa qua. Sau khi liên hệ với hai trung tâm, tôi thấy số lượng người dân đăng ký học lái xe khá đông. Nhiều trường hợp phải đợi để xếp lớp vì hiện nay đã kín số lượng người đăng ký".
Cần có thời gian thí điểm để đánh giá ưu, nhược điểm của việc học lái xe bằng “cabin ảo” |
Thông tin về việc bổ sung thêm phần mềm mô phỏng trong đào tạo và sát hạch lái xe, anh Trần Thanh Tùng, giảng viên đào tạo sát hạch lái xe tại một trung tâm dạy nghề và đào tạo sát hạch lái xe ở Hà Nội cho biết: Theo quy định thì từ năm nay, quy trình sát hạch cấp giấy phép lái xe có thêm nội dung thi phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông hay còn gọi là thi “cabin ảo”. Mô hình “cabin ảo” có độ mô phỏng chính xác cao, khá giống với buồng lái của xe trong thực tế.
Quy trình học trong “cabin ảo” cũng theo những bài tập lái xe cơ bản như vận hành số xe, thực hành "đề pa" lên dốc, đường quanh co, đường vuông góc, lùi chuồng... như bài sa hình thi sát hạch. “Cabin ảo” cũng có phần bài tập kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, cao tốc, đồng bằng, trong thành phố…
Trong quá trình thực hành, thiết bị sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, không thắt dây an toàn, các tình huống khi xảy ra tai nạn... giống hệt trong thực tế. Thậm chí, các loại hình thời tiết (sương mù, nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống để người học nâng cao kỹ năng xử lý tình huống trong các điều kiện khác nhau.
“Có thể nói, việc học lái xe bằng “cabin ảo” rất tiện lợi, an toàn, giảm khí thải giúp bảo vệ môi trường. Việc tập luyện thực hành nhuần nhuyễn trên cabin ảo cũng sẽ giúp tạo thói quen phản xạ, xử lý tình huống khi ra thực địa. Mặc dù “cabin ảo” khá giống thực tế nhưng có sự khác biệt rất lớn về mặt tâm lý. Thao tác xử lý tình huống của người lái xe phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý. Vì vậy, “cabin ảo” không thể thay thế thực hành lái xe ngoài đời thực”, anh Tùng nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều
Phần mềm mô phỏng được quy định trong Thông tư 01/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 29/2015 và Thông tư 12/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông vận tải. Theo Thông tư 01/2021, bắt đầu từ ngày 1/7/2022, quy trình thi sát hạch lái xe ô tô sẽ có sự thay đổi bằng việc áp dụng thi mô phỏng vào quy trình sát hạch.
Đáng chú ý, trong các phần thi có sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng. Các trung tâm sát hạch lái xe sẽ sử dụng phần mềm mô phỏng những tình huống giao thông để sát hạch lái xe từ ngày 1/6/2022 và trang bị, sử dụng ca bin học lái ô tô để đào tạo lái xe ô tô từ ngày 1/7/2022.
Như vậy, từ giờ cho đến khi “ca bin ảo” trở thành học phần bắt buộc trong thi bằng lái xe ô tô còn gần 3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay còn khá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quy định này.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa phần mềm mô phỏng vào đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe là cần thiết, bởi việc học lái xe trong mô hình ảo sẽ giảm thiểu tối đa các tình huống mất an toàn giao thông trong thực tế. Bên cạnh đó, phần mềm mô phỏng cũng giống với chấm điểm trên bài thi thật, bao gồm bước trừ điểm, khi đó sẽ thông báo thí sinh thi trượt như trên xe thật. Như vậy, phần mềm sẽ giúp người học tự tin hơn khi đi trên xe thật vì đã có khoảng thời gian nhất định tập trên xe mô hình.
Từ giờ cho đến khi “ca bin ảo” trở thành học phần bắt buộc trong thi bằng lái xe ô tô còn gần 3 tháng |
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ việc đưa phần mềm mô phỏng vào đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe vào thực hiện, nhiều ý kiến khác lại lo ngại “ca bin ảo” sẽ phát sinh bất cập, gây khó cho người học, thi và gây tốn kém cho các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Đại diện một trung tâm sát hạch lái xe ở Hà Nội cho biết, giá thành của “ca bin ảo” tương đối cao, nếu bắt buộc phải trang bị sẽ gây áp lực tài chính cho những cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe.
Theo nhận định của các chuyên gia giao thông, việc áp dụng phần mềm mô phỏng trong đào tạo, sát hạch lái xe rất cần thiết, bởi đây là công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ đắc lực cho đơn vị đào tạo cũng như người học, thi lấy bằng lái xe. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều trung tâm sát hạch lái xe đang gặp khó khăn như hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những trung tâm này trong việc mua sắm “ca bin ảo” để họ giảm bớt gánh nặng tài chính.
Một trong những giải pháp có thể tính đến là cho phép các trung tâm mua sắm thí điểm “ca bin ảo” với số lượng ít, phù hợp với khả năng tài chính. Bên cạnh đó, việc triển khai thi sát hạch bằng lái xe trên phần mềm mô phỏng cũng nên có thời gian thí điểm để đánh giá ưu điểm cũng như phát hiện nhược điểm trong quá trình thực hiện trước khi áp dụng đại trà.