Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đẩy mạnh thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng chống tràn đê
Những năm qua, các địa phương tại tỉnh Thanh Hóa không ngừng đẩy mạnh thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với thiên tai
Bài liên quan
Ứng dụng có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” trong vùng rốn lũ
Chủ động phòng chống thiên tai theo “Phương châm bốn tại chỗ”
Công tác chuẩn bị, ứng phó với thiên tai: Cần phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ”
Nỗ lực tạo dựng một xã hội thực sự an toàn trước thiên tai
Chiến thắng thiên tai là ý chí và khát vọng của người Việt Nam
Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời
Là một trong những địa phương thường xuyên chịu tác động thiên tai, bão lũ nên hàng năm huyện Hoằng Hóa luôn xác định công tác phòng chống thiên tai là một nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.
Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các phòng, ban, các cấp chính quyền chủ động tổ chức, triển khai thực hiện mọi công việc cần thiết phục vụ phòng chống thiên tai theo đúng phương châm “Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ” và tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, phát hiện và tham mưu xử lý các sự cố về đê điều là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Rút kinh nghiệm trong công tác triển khai, đối phó với các đợt bão lũ lớn những năm trước đây, hàng năm, trên cơ sở phân bổ giao chỉ tiêu của tỉnh, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn chuẩn bị đảm bảo đủ cơ số để xử lý khi có tình huống xảy ra. Từ đó các xã tập trung chuẩn bị, huy động trong dân.
Cùng với đó, huyện cũng đã thành lập các Đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị vật tư dự trữ phòng chống lụt bão tại các xã, thị trấn. Trong đó chú ý kiểm tra cụ thể số lượng, chất lượng các loại vật tư hiện có tại các kho của từng xã, để bổ sung thay thế các loại vật tư bị mục nát, hư hỏng không đảm bảo chất lượng.
Nhờ thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" nên người dân tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn chủ động trong công tác phòng chống thiên tai |
Trong công tác chuẩn bị vật tư, đất dự trữ giữ đóng vai trò rất quan trọng, bởi khi có mưa lũ xảy ra, nước lũ thượng nguồn đổ về cũng là lúc hệ thống tiêu nội đê phải đóng cống nên trong nội đê nước cũng nhấn chìm nhiều diện tích. Do vậy, việc chuẩn bị đất dự trữ để trên đê hoặc các vị trí cao để xử lý sự cố là một trong các điều kiện tiên quyết trong công tác chuẩn bị vật tư.
Vì vậy dù đê đã được đầu tư xây dựng nhưng thiên tai ngày càng hung dữ, mọi sự chuẩn bị đều rất cần thiết tuyệt đối không được chủ quan. Việc tập kết đất tích thổ phải theo sự hướng dẫn của lực lượng quản lý đê, cần tập kết ở những vị trí xung yếu, các cống dưới đê cần phải bố trí đảm bảo số lượng đất dự trữ. Tổng khối lượng đất dự trữ khoảng 3.300m3.
Về công tác chuẩn bị nhân lực, hàng năm trước mùa mưa bão, các xã, thị trấn tổ chức, thành lập lực lượng tuần tra canh gác và xung kích hộ đê đảm bảo nhu cầu hộ đê, chống lụt của địa phương. Các lực lượng này đều được tham gia tập huấn, diễn tập do huyện phối hợp với hạt quản lý đê tổ chức.
Đây chính là hạt nhân nòng cốt trong công tác hộ đê, chống lụt. Ngoài lực lượng dân quân, thanh niên xung kích giữ vai trò nòng cốt, huyện Hoằng Hóa cũng quán triệt tư tưởng và phương châm mọi người dân trong độ tuổi lao động tại các xã có đê đều là lực lượng canh đê, là lực lượng sẵn sàng hộ đê, tránh tình trạng chỉ dựa vào lực lượng nòng cốt và lực lượng ứng cứu được điều động từ nơi khác đến.
Coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê
Từ thực tiễn công tác chuẩn bị “bốn tại chỗ” và tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều, phát hiện và tham mưu xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn chống lũ hệ thống đê trong đợt lũ lớn năm 2017, Hoằng Hóa đã rút ra nhiều vấn đề cần quan tâm và bài học kinh nghiệm.
Cụ thể, trong công tác hộ đê, chống lụt bão, chính quyền và nhân dân huyện Hoằng Hóa luôn hết sức coi trọng tổ chức lực lượng tuần tra canh gác đê, không lơ là, chủ quan. Khi phát hiện sự cố, hư hỏng của công trình, các địa phương phải báo cáo kịp thời với người có thẩm quyền, đồng thời phải chủ động xử lý, ngăn chặn không cho sự cố phát triển xấu thêm.
Lực lượng tuần tra canh gác đê, lực lượng xung kích hộ đê phải được tập huấn, hướng dẫn kỹ càng về nghiệp vụ tuần tra canh đê. Đặc biệt lực lượng tuần tra, canh gác đê phải có kỹ thuật xử lý đê giờ đầu và có chế độ thù lao thỏa đáng khi làm nhiệm vụ.
Trong mùa mưa lũ, tỉnh Thanh Hóa luôn chỉ đạo các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ” |
Trong mùa mưa lũ, các địa phương cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của công trình đê, kè, cống. Đồng thời đánh giá sát đúng hiện trạng công trình đê điều trước lũ, dự kiến các tình huống sát đúng để khi sự cố xảy ra không bị động, lúng túng.
Đặc biệt, Hoằng Hóa luôn chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “bốn tại chỗ”. Huyện cũng thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện ở cơ sở, trong đó chú trọng việc chuẩn bị vật tư dự trữ của dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ để khi sự cố xảy ra là huy động được ngay để xử lý kịp thời.
Công tác chỉ huy điều hành xử lý cũng được huyện tiến hành quyết liệt, khẩn trương, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Huyện đã huy động kịp thời lực lượng, vật tư, phương tiện... để xử lý ngay các sự cố xảy ra.
Ngoài các giải pháp nêu trên, huyện Hoằng Hóa còn thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho các cấp chính quyền và mọi người dân thấy rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác hộ đê, chống lụt. Theo đó, huyện có chủ trương nhất quán là “Chỉ có huy động được sự tham gia đông đảo và tích cực của toàn dân thì mới ứng cứu, bảo vệ được đê điều an toàn trong mùa lũ”.