Hoàn thiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt để hoạt động tập trung, hiệu quả
Phấn đấu 90% đoàn viên công đoàn đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” Bảo vệ quyền lợi chính đáng, chăm lo cho đoàn viên công đoàn |
Mô hình công đoàn ngành hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng ngành
Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp Báo Lao Động vừa tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện mô hình hoạt động công đoàn ngành xuyên suốt".
Hội thảo là cơ hội để cùng đề xuất những giải pháp trọng tâm đưa hoạt động của tổ chức Công đoàn ngày càng hiệu quả, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của đoàn viên, người lao động trong ngành.
Đồng thời là một trong những hoạt động nổi bật chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, hướng tới Đại hội VII Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Hội thảo khẳng định sau 30 năm thành lập Công đoàn Ngân hàng Việt Nam theo mô hình tập trung, xuyên suốt hoạt động đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình tổ chức, phù hợp theo yêu cầu tất yếu của phong trào công nhân, viên chức, người lao động trong ngành Ngân hàng, đồng thời theo kịp xu thế của công đoàn ngành nghề các nước trên thế giới.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Mở đầu hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, ngành ngân hàng đã có 30 năm hoạt động theo mô hình công đoàn ngành. Chặng đường đi qua đã chứng minh mô hình công đoàn ngành hiệu quả, phù hợp với đặc thù, chức năng mô hình tổ chức dọc của ngành ngân hàng (từ Trung ương đến địa phương).
Theo ông Tú, việc tiếp tục hoàn thiện mô hình này cũng là vấn đề rất được quan tâm, đặc biệt sau Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có những nghị quyết, chỉ đạo chung để 10 công đoàn chuyên ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để mô hình hoạt động này nhằm phát huy hiệu quả vai trò của những tổ chức công đoàn và chăm lo cho người lao động.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú mong muốn sẽ tập hợp được sức mạnh và tạo ra diễn đàn chung theo tính chất ngành nghề, đồng thời cho rằng, việc công đoàn tiếp tục hoàn thiện theo mô hình dọc là hết sức phù hợp.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì hội thảo |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Đỗ Văn Quảng - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho rằng, hiện nay, mô hình tổ chức trong hệ thống công đoàn ngành xây dựng chưa có sự thống nhất, hay còn hạn chế vai trò, quyền hạn của công đoàn cơ sở, nhất là việc đại diện người lao động trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, ông Quảng kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện thí điểm mô hình công đoàn ngành xuyên suốt.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Hợp - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo Liên đoàn lao động các địa phương thực hiện chuyển công đoàn các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo về Công đoàn Giáo dục Việt Nam quản lý.
Bên cạnh đó, bà Hợp cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có cơ chế, lộ trình phù hợp để Công đoàn Giáo dục Việt Nam được thực hiện mô hình công đoàn ngành xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Cũng chia sẻ tại Hội thảo, ông Quách Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, hoạt động của Công đoàn ngành Công thương có những thay đổi, điều chỉnh. Trọng tâm hoạt động công đoàn hướng vào thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động, thông qua việc thực thi pháp luật về lao động, đẩy mạnh thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể, đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết hài hòa lợi ích của người lao động với lợi ích doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Quách Văn Ngọc cho rằng, Công đoàn Công thương Việt Nam là công đoàn ngành đa lĩnh vực nên không thể tập trung vào một ngành cụ thể, chất lượng tham gia ngành nghề hạn chế, khó có thể xây dựng thoả ước lao động tập thể cấp ngành.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam đề xuất, kiến nghị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng quán triệt, thực hiện có kết quả Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm chỉ đạo hoàn thiện tổ chức và đổi mới hoạt động của các công đoàn ngành Trung ương để đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.
Kiến nghị thí điểm mô hình công đoàn ngành xuyên suốt
Còn ông Lê Giang Long - đại diện Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, trong dịch COVID-19 vừa qua, công đoàn đã quan tâm kịp thời, hỗ trợ đến các đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi dịch và tham gia hỗ trợ công tác ở tuyến đầu chống dịch.
Trong những đợt thiên tai, lũ lụt trong năm vừa qua, Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng gặp khó khăn đó... Những thông tin trên đã minh chứng cho mô hình hoạt động xuyên suốt từ Trung ương tới cơ sở trong hệ thống đơn vị.
Ông Lê Giang Long - đại diện Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại hội thảo |
Về góc độ doanh nghiệp, ông Hà Văn Nam - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Ngân hàng SHB chia sẻ, khi chưa trực thuộc Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, tình hình hoạt động của Công đoàn cơ sở SHB còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập khi hoạt động rải rác trên nhiều địa bàn trong cả nước.
Tuy nhiên, khi chuyển sinh hoạt theo hệ thống Công đoàn ngành ngân hàng, nhờ sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, các hoạt động giữa chuyên môn và công đoàn từ cấp Trung ương/Hội sở chính đến từng cơ sở có sự gắn kết, đã góp phần phát triển cả về chất và lượng của đội ngũ cán bộ Công đoàn SHB nói riêng và đời sống của đoàn viên, người lao động nói chung.
Phát biểu tại hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị là cơ hội vàng để củng cố công đoàn ngành.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo |
Đầu tiên là tiếp tục phát triển công đoàn 4+, kết hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành. Khi nói về tác động tới từng hệ thống, cần củng cố và phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả của công đoàn địa phương.
Sau đó là thí điểm thành lập công đoàn ngành, công đoàn tổng công ty theo hướng tập trung tinh gọn hiệu quả; xây dựng mô hình tổ chức công đoàn mở linh hoạt.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, xu hướng chung của thế giới là công đoàn ngành, thậm chí nói đến công đoàn tỉnh, nhiều nước không hiểu. Ông dẫn ví dụ tại Úc có công đoàn ngành, nhưng địa phương quản lý ngành chứ không phải địa phương giống như Việt Nam.
Trong bối cảnh mới khi thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, họ chỉ thành lập công đoàn ngành. Đây là một sự cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế.
“Tôi quan điểm rằng, nói về nét đặc trưng rõ ràng thì phải về ngành, từ đó đưa ra những tiêu chí phù hợp”, ông Hiểu đánh giá và cho rằng cần thành lập công đoàn điện tử bởi số công nhân trong ngành điện tử hiện nay đang rất lớn.
Bế mạc hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú đánh giá, các ý kiến từ nhiều đơn vị đã tập trung thể hiện nguyện vọng, mong muốn làm rõ nét mô hình hoạt động chuyên ngành để phát huy vai trò gắn kết chuyên môn với hoạt động công đoàn.
Mục tiêu chính vẫn là chăm lo đoàn viên và đảm bảo mục đích chính đáng của người lao động, đoàn viên trong tổ chức công đoàn. Đồng thời, tổ chức công đoàn nào cũng mong muốn thực hiện vai trò, sức mệnh động viên, tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, người lao động chấp hành chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như làm tốt chuyên môn ở mỗi vị trí của mình.
Tổng kết lại, Phó Thống đốc văn tắt 3 nội dung chính được thảo luận chuyên sâu trong buổi hội thảo.
Thứ nhất là cơ sở lý luận, pháp lý để triển khai mô hình công đoàn chuyên ngành.
Thứ hai là đã đi sâu vào những khó khăn vướng mắc trong thực hiện, triển khai mô hình công đoàn chuyên ngành, còn lẫn giữa Liên đoàn Lao động các địa phương cũng như sự phối hợp còn chưa được nhiều… Phía công đoàn chuyên ngành muốn được tập hợp theo tính chất chuyên ngành. Đây là nội dung chính yếu đã đi sâu vào phân tích.
Thứ ba là một số đơn vị đã nêu ra những tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Đây là những ý kiến rất sâu sắc bởi hoạt động đoàn thể không chỉ đảm bảo tâm tư, nguyện vọng của người lao động ở mặt vật chất và chính trị mà còn cả về tình cảm, tinh thần, văn hoá…
“Những ý kiến đề xuất kiến nghị và tâm tư, nguyện vọng của 10 công đoàn chuyên ngành khá thống nhất, có sự đồng điệu cả về tình cảm, mong muốn cũng như cùng ý chí để làm tốt hơn nữa vai trò của tổ chức công đoàn có tính chất chuyên ngành”, ông Tú chia sẻ.
Qua đây, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam thay mặt các đơn vị đưa ra 2 kiến nghị chính.
Cụ thể, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam kiến nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm triển khai đề án làm thí điểm mô hình xuyên suốt, từ đó đánh giá tính khách quan, khoa học và cần thiết.
Đồng thời, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa công đoàn chuyên ngành với liên đoàn các địa phương. Từ đó như một văn bản quy định, buộc các tổ chức phải chấp hành để phối hợp thực hiện.