Hiện tượng tăng vốn khống, thao túng, làm giá cổ phiếu ngày càng tinh vi
Ủy ban Chứng khoán yêu cầu công bố số liệu tự doanh hàng ngày với từng mã cổ phiếu Các doanh nghiệp giải trình khi cổ phiếu tăng trần, giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã cho biết như vậy khi trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 23/5.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định.
Đặc biệt, trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường.
Nói về tình hình vĩ mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu tăng, lạm phát có xu hướng tăng cao, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống 3,6%.
Trong nước, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Ảnh: QH) |
Đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lớn và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực. Cụ thể, GDP quý I/2022 ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại. Trong 4 tháng đầu năm 2022, có hơn 30 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 60,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề như: kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn.
Trong đó, vấn đề giá dầu tăng cao tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển.
Theo ông Thanh, giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài, nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ một số vấn đề cần xử lý, tháo gỡ kịp thời như: Sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng cao, giá cước vận tải ở mức cao, giá nhiên liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất (dầu, khí đốt, than) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao trong khi sức cầu tiêu thụ vẫn yếu, vẫn còn những khó khăn về tài chính, tuyển dụng lao động.
Mặt khác, việc chậm quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành gây khó khăn cho việc dự báo về thị trường, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân. Trong đó, Quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt dẫn đến nhiều dự án phát triển điện chưa thể triển khai, tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm.