Hành trình tái hiện ký ức đô thị Hà Nội qua từng thước phim
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 kéo dài thêm 2 ngày Kỳ vọng vào bệ đỡ cho những nhà sáng tạo trẻ Sức hút từ những hiện vật lịch sử qua lăng kính của giới trẻ |
Đây là sự kiện nổi bật trong Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, do Hội đồng Anh tại Việt Nam hỗ trợ, quy tụ nhiều gương mặt tiêu biểu trong giới nghệ thuật, bao gồm nhà văn Nguyễn Trương Quý - người được mệnh danh là “nhà Hà Nội học” thế hệ mới, NSND Lan Hương, nhà sản xuất Nghiêm Quỳnh Trang và nhà báo Đỗ Thu Hà.
Nhà văn Nguyễn Trường Quân dẫn dắt toạ đàm (Ảnh: Ngọc Thanh) |
Qua sự kiện này, khán giả được nhìn lại những hình ảnh của Hà Nội từ thời chiến, thời bao cấp cho đến thời kỳ đổi mới và đương đại, tất cả qua lăng kính điện ảnh, mỗi giai đoạn đều khắc họa những nét độc đáo và sâu sắc về một Hà Nội vừa kiên cường, vừa dịu dàng.
Mở đầu tọa đàm, khán giả được trở về thập niên 70 của thế kỷ XX qua bộ phim kinh điển “Em bé Hà Nội” (1974). NSND Lan Hương, nhân vật chính của bộ phim, không giấu nổi sự xúc động khi hồi tưởng: “Tôi không phải người gốc Hà Nội, nhưng tình yêu Hà Nội đã giúp tôi hóa thân vào nhân vật một cách chân thật nhất.
Hà Nội trong thời chiến vừa đẹp lại vừa kiên cường, mạnh mẽ. Ký ức về thành phố sống động đến mức tôi vẫn nhớ từng khung cảnh trong phim, từ những buổi sáng bình yên cho đến những khoảnh khắc bàng hoàng giữa các trận bom”.
Bằng sự diễn xuất tự nhiên và chân thực, NSND Lan Hương đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh một Hà Nội không chịu khuất phục, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem.
Nhà báo Đỗ Thu Hà bày tỏ rằng chính nhờ những bộ phim như “Em bé Hà Nội” mà thế hệ trẻ ngày nay có thể hiểu thêm về một thời kỳ sống của cha mẹ mình. “Hà Nội là một trong những thành phố hiếm hoi ở châu Á mà ký ức đô thị được lưu giữ không chỉ qua thơ ca hay âm nhạc mà còn qua điện ảnh.
"Em bé Hà Nội" đã ghi lại một Thủ đô thanh bình, trong trẻo, mà nếu không có chiến tranh, có lẽ sẽ vẫn là một Hà Nội yên bình, dịu dàng đến thế”, nhà báo Đỗ Thu Hà nhấn mạnh.
Điện ảnh đã giúp khán giả hình dung về những gì đã qua, góp phần tái hiện không khí và tinh thần của một thời kỳ đầy thử thách.
Bước sang thập niên 80, thời kỳ bao cấp, điện ảnh tiếp tục là nơi lưu giữ ký ức về một Hà Nội đầy khó khăn nhưng luôn lạc quan. Nhà báo Đỗ Thu Hà cho biết: “Phở Hà Nội, quán cà phê, những con phố nhỏ nghèo nàn đều xuất hiện trong các bộ phim thời kỳ này, trở thành biểu tượng của một Hà Nội mộc mạc, thân thương”.
Qua những tác phẩm như “Phận đời không muốn nhớ”, hình ảnh quán phở nghèo không chỉ là một nét văn hóa mà còn là một không gian dung hòa xã hội. Đó là một Hà Nội nơi mọi người xóa nhòa ranh giới giai tầng, chia sẻ với nhau qua bát phở giản dị, biểu trưng cho một thời kỳ mà sự gần gũi và yêu thương vượt qua mọi khó khăn.
Những thước phim như vậy đã ghi lại nét đẹp đời thường của người Hà Nội, như một phần ký ức tập thể của thành phố.
“Truyền hình và sân khấu thời bao cấp tập trung phản ánh đời sống bình dị, từ những khoảnh khắc vui vẻ đến những nỗi buồn len lỏi trong cuộc sống thường ngày. Hà Nội trong giai đoạn này hiện lên như một thành phố của sự nhẫn nại, luôn lạc quan và hy vọng vào một tương lai tươi sáng", NSND Lan Hương bổ sung thêm.
Nhà báo Đỗ Thu Hà chia sẻ tại buổi toạ đàm (Ảnh: Ngọc Thanh) |
Tọa đàm tiếp tục điểm lại thập niên 90 - thời kỳ đổi mới với sự bùng nổ của các phim tư nhân và video, phản ánh một Hà Nội đầy chuyển mình. Nhà báo Đỗ Thu Hà so sánh thời kỳ này như một “đòn knock-out về lý tưởng” khi điện ảnh Hà Nội bấy giờ bộc lộ sự bối rối, hoang mang của xã hội.
Những bộ phim ra đời trong giai đoạn này không chỉ ghi lại sự thay đổi nhanh chóng về mặt kinh tế và xã hội mà còn là hình ảnh của một Hà Nội đứng trước những thử thách mới. Qua các thước phim, khán giả cảm nhận được sự bối rối của cư dân đô thị khi đối diện với sự đổi thay đột ngột, sự phức tạp trong đời sống mới.
Cuối buổi tọa đàm, bộ phim “Cu li không bao giờ khóc” (2024) đã được giới thiệu, đưa khán giả quay trở về Hà Nội của hiện tại nhưng vẫn giữ được nét hoài cổ.
NSND Lan Hương chia sẻ: “Bộ phim giống như một câu chuyện cổ tích về Hà Nội hiện đại, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc. Hà Nội trong phim không còn hào nhoáng mà rất chân thực, gần gũi”. Qua những thước phim mới mẻ, Hà Nội hiện lên như một thành phố của sự chuyển mình nhưng vẫn mang trong mình những nét đẹp cổ điển, truyền thống.
Không chỉ là nơi lưu giữ ký ức về Hà Nội qua các thời kỳ, tọa đàm còn tạo cơ hội để công chúng và các nhà làm phim, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu cùng nhau bàn luận về vai trò của điện ảnh trong việc kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.
Qua các cuộc đối thoại sôi nổi, khán giả không chỉ hiểu hơn về Hà Nội mà còn cảm nhận được sự gắn bó, tình yêu với thành phố này, thấy rõ những nét đẹp văn hóa và con người đã được lưu giữ qua từng giai đoạn lịch sử.
Điện ảnh không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn là cầu nối giúp ký ức đô thị Hà Nội được sống mãi trong lòng người dân và thế hệ trẻ.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024, tọa đàm “Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh các thời kỳ” là cuộc gặp gỡ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong việc định hình hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh. Tọa đàm "Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh" là một tọa đàm có tính chuyên môn, nhưng ký ức về hình ảnh và con người đô thị Hà Nội qua các thời kỳ điện ảnh. |