Triển lãm “Tái thiết di sản công nghiệp”: Gợi mở hướng lưu giữ “ký ức đô thị” Hà Nội
Di sản công nghiệp là một phần không thể tách rời với di sản văn hóa nói chung tại nhiều quốc gia. Trong quá trình đô thị hóa, để đáp ứng yêu cầu quy hoạch và bảo vệ môi trường, nhiều hoạt động công nghiệp tại các thành phố lớn không thể tiếp tục duy trì và phải ngừng hoạt động để di dời tới địa điểm khác. Điều này đã đặt ra câu hỏi cho việc ứng xử với những nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp vẫn còn nằm lại trong thành phố.
Hiện nay, đã có một số biện pháp được đề xuất nhằm lưu giữ “ký ức đô thị”, đồng thời tạo ra giá trị văn hóa, kinh tế cho xã hội. Một vài quốc gia đã lựa chọn phương án tái thiết một phần hoặc toàn bộ di sản công nghiệp thành không gian mới với nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần thúc đẩy nền công nghiệp sáng tạo, thu hút khách du lịch hay chỉ đơn giản để tôn vinh những công trình kiến trúc độc nhất vô nhị này.
Complex 01- Khu tổ hợp giải trí trên nền móng của một nhà máy cũ những năm “cách mạng công nghiệp” |
Triển lãm “Tái thiết di sản công nghiệp” sẽ mang đến cho cộng đồng góc nhìn về khả năng chuyển đổi các cơ sở công nghiệp thông qua các ví dụ về bảo tồn và phát huy di sản công nghiệp tại các quốc gia như Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Việt Nam.
Triển lãm trưng bày 25 tấm pa-nô song ngữ kích thước 60cmx120cm giới thiệu về 10 địa điểm "tái thiết di sản" của 5 quốc gia: Việt Nam, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan. Khách tham quan sẽ có dịp khám phá những ví dụ điển hình và thành công của những công trình di sản như: Nhà máy thuốc lá Seita (năm hoàn thành: 1868) được chuyển đổi từ nhà máy thuốc lá thành không gian sáng tạo mang tên La Friche La Belle de Mai (Pháp); Nhà máy dây cáp Gempt cũ (xây dựng những năm 1930) được cải tạo thành một trung tâm văn hóa ấn tượng mang tên Gempt Hall Lengerich, (Đức); Mayfield (Vương quốc Anh).
Kết quả của dự án cải tạo khu công nghiệp Mayfield thành một khu phức hợp nhà ở hiện đại và là nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng và trải nghiệm ẩm thực; The Utrecht Community (Hà Lan), một nhà kho cũ (Dutch Railway) đã được cải tạo thành một Trung tâm cho cộng đồng doanh nghiệp bền vững tại Hà Lan…
Nhà kho Dutch Railway |
Đặc biệt, Ban tổ chức cũng giới thiệu hai pa-nô tư liệu ảnh về hai công trình điển hình của Việt Nam: 282 Workshop (Hà Nội), một nhà máy chế biến dầu cũ (được xây dựng vào những năm 1970) được cải tạo thành một không gian văn hóa và sáng tạo năng động và Complex 01 (Hà Nội), khu tổ hợp giải trí được cải tạo trên nền móng của một nhà máy cũ được xây dựng từ thời kỳ “cách mạng công nghiệp”.
Từ những mô hình đó, triển lãm gợi mở cho chúng ta câu hỏi : “Tương lai nào cho các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội trong bối cảnh thành phố chính thức có quyết định di dời 09 cơ sở công nghiệp cũ ghi dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử?"
Triển lãm do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Goethe tổ chức vào 18/11 tại 282 Workshop, 156 Phú Viên, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội