Hành trình mang tiếng khèn Mông tới khách thập phương
Giàng A Hải, sinh ra trên mảnh đất Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Với niềm đau đáu mong làm được gì đó cho chính dân tộc mình, anh Hải đã và đang trên hành trình mang tiếng Khèn Mông, bản sắc văn hóa dân tộc Mông đi xa hơn nữa trong bảo tồn và phát triển du lịch.
Hành trình tới trường gian nan
Điệu múa độc đáo của dân tộc Hmông |
Chàng trai Giàng A Hải xuất thân từ gia đình làm nông nghèo. “Buổi sáng phải đuổi trâu bò đi thả xong mới vội lên trường. Lúc ấy đi bộ vài cây số mới đến được lớp nên anh toàn đến muộn. May mắn, thầy cô cũng rất hiểu và hết lòng giúp đỡ nên mình càng phải cố gắng hơn”, anh Hải tâm sự.
Sự cố gắng không phụ lòng người, hết lớp 9, anh Hải là một trong 3 học sinh được huyện Si Ma Cai cử đi học tại trường Hữu nghị Việt - Lào.
Anh Giàng A Hải biểu diễn cùng cây sáo |
Gia đình không có tiền nên khi anh đỗ đại học, bố mẹ phải bán con trâu duy nhất trong nhà để trả học phí. “Bây giờ nghĩ lại vẫn không kìm được nước mắt. Mình cảm thấy may mắn khi gia đình hiểu nguyện vọng được đi học và tạo điều kiện hết sức”, anh Hải chia sẻ. Bây giờ trong gia đình anh, truyền thống học tập vẫn được các em tiếp nối với tấm gương của người anh trai mạnh mẽ.
Câu lạc bộ Khèn Mông
Khi học Đại học, anh Hải nhận ra rằng những văn hóa của người Hmông nói riêng và các dân tộc anh em rất quan trọng. “Mình muốn làm một cái gì đó cho dân tộc mình và mang nét đẹp của dân tộc đến với du khách, phát triển du lịch”, anh Hải chia sẻ về ước mơ của bản thân.
Những suy nghĩ này đã được nung nấu từ tháng ngày tuổi trẻ, đến khi về công tác ở tỉnh Lào Cai, anh bắt đầu nghiên cứu, sưu tầm, viết bài về người dân tộc Mông. “Càng nghiên cứu mình càng thấy được cái hay, ý nghĩa trong bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ đó, mình cảm thấy phải gìn giữ và lan tỏa nó đến với nhiều người, đem thế mạnh của địa phương tới du khách”.
CLB Khèn Mông Bắc Hà đi biểu diễn |
Khi chuyển về huyện Bắc Hà công tác, anh Hải nhìn thấy những tiềm năng của mảnh đất nơi đây. Khách du lịch đến với Bắc Hà là đến với bản sắc văn hóa của địa phương. Chính vì vậy, anh quyết tâm thành lập CLB Khèn Mông.
Với ý tưởng mới lạ, mọi người đều không tin anh. Trước sự do dự, ngờ vực của mọi người, anh Hải không nản chí, tiếp tục cố gắng vận động từng người. Từ chỗ chỉ có mấy người ủng hộ, dần dần đến khi ra mắt CLB đã có 34 người và hiện nay số thành viên lên đến hơn 100, chia làm 3 đội biểu diễn. “Quyết tâm của mình đã biến những khó khăn trở thành động lực. Với mình thì giữ được tiếng khèn ấy chính là giúp người Mông giữ được cái hồn dân tộc”.
Lớp học khèn của các em thiếu nhi |
Bên cạnh đó anh Hải còn tổ chức các lớp học khèn buổi tối để đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc đến với thế hệ trẻ. “Sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, sự tham gia nhiệt tình của các em là động lực để mình tiếp tục trên con đường gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc”.
Âm nhạc hỗ trợ phát triển du lịch
Khách du lịch đến với Bắc Hà không chỉ bởi cảnh sắc nơi đây mà còn vì tiếng khèn, điệu múa của các chàng tai, cô gái dân tộc Mông. Khách du lịch rất thích tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc tại mỗi điểm tham quan nên 3 đội văn nghệ của CLB thay nhau đi biểu diễn hàng tuần khi không có dịch Covid-19.
Bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện rõ nét qua nghệ thuật |
Trước khi CLB ra đời, việc đem văn hóa để phục vụ du lịch của Bắc Hà vẫn còn lẻ tẻ, không có tính chuyên nghiệp, bài bản. Giờ đây, nhờ tiếng khèn và các hoạt động của CLB, du lịch Bắc Hà đã phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc biểu diễn tại các cơ sở du lịch, đội còn được huyện đưa đi biểu diễn đón các đoàn khách lớn và sang các tỉnh bạn quảng bá bản sắc địa phương.
Thành viên CLB Khèn Mông |
Trong CLB đa phần là chị em phụ nữ nên trong quá trình hoạt động anh Hải đã kết nối với tổ chức Creat để mọi người được tham gia, học tập về kinh nghiệm làm du lịch, homestay.
Các công việc truyền thống của người Mông như nấu rượu, thêu may thổ cẩm được tổ chức để các đoàn khách du lịch đến tham quan được trải nghiệm, thưởng thức. Mô hình homestay cũng rất được khuyến khích phát triển để thu hút du khách và tại đó CLB Khèn Mông Bắc Hà sẽ đến biểu diễn.
Văn hóa dân tộc Mông được thể hiện từ chính những người trẻ |
Trong tương lai gần, anh Hải có dự định tổ chức thêm lớp dạy khèn và thay đổi phương pháp dạy để các em nhanh tiếp thu hơn, các thầy dạy cũng hiệu quả hơn. “Với CLB Khèn Mông Bắc Hà, dự định của mình là nâng cao chất lượng biểu diễn, đưa đội đi diễn ở Sa Pa và hơn nữa là kết nối các tour du lịch ở Hà Nội, Lào Cai... từ đó, góp phần đem phát triển và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch địa phương”, anh Hải chia sẻ.