Hàng chục điểm khai thác mỏ, bến bãi tập kết không bán cát, sỏi
“Thủ phủ cát” vắng bóng xe chở cát, sỏi
Theo phản ánh các chủ xe vận tải trên địa bàn huyện Thanh Chương (Nghệ An), trong 4 ngày qua, để có nguồn vật liệu xây dựng (chủ yếu là cát, sỏi) thì họ phải đi xuống khu vực huyện Nam Đàn và đi ngược lên huyện Đô Lương để lấy cát, sỏi cung cấp cho người dân làm nhà và các công trình xây dựng.
Bến cát sạn của Công ty CP khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương vắng bóng xe chở vật liệu. |
Một số chủ xe tải trên địa bàn huyện Thanh Chương bức xúc cho biết: Bình thường họ thường đến lấy ở các bến bãi tập kết và các mỏ trên địa bàn rất thuận lợi nhưng trong 4 ngày qua đến lấy cát thì các chủ bãi không bán. Vì vậy, họ phải đi ngược lên Đô Lương hoặc xuống huyện Nam Đàn để mua cát, sỏi về cung cấp cho người dân.
"Các bến cát họ bảo tập trung lại để thỏa thuận nâng giá nên họ không bán, mặc dù cát ở bãi vẫn đang còn nhiều. Do quảng đường đi xa hơn để lấy cát sỏi các huyện khác nên chúng tôi lại tốn kém thêm dầu”, một lái xe tải chuyên chở vật liệu trên địa bàn huyện Thanh Chương chia sẻ.
Bến bãi tập kết cát sỏi nằm trên địa bàn xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương im lìm. |
Hiện có hàng chục bến thủy nội địa hoạt động trên địa bàn, chủ yếu do Công ty CP khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương làm chủ đầu tư ở các xã: Thanh Ngọc, Ngọc Sơn, Võ Liệt, Đồng Văn, Thanh Tiên, Thanh Lĩnh, Thanh Hưng, Thanh Văn, Xuân Tường, Thanh An… Theo thống kê, trên địa bàn huyện, hiện có 7 vị trí được cấp phép khai thác cát sỏi ở các xã: Võ Liệt, Thanh Giang (thuộc Công ty TNHH Cát sỏi Cầu Rộ Thanh Chương); xã Cát Văn (thuộc Công ty TNHH vật liệu xây dựng thương mại Sơn Hà); Cát Văn – Lưu Sơn (thuộc Công ty TNHH Hoàng Nguyên, trong đó xã Lưu Sơn thuộc huyện Đô Lương); vị trí ở các xã Đồng Văn, Thanh Chi, Võ Liệt (thuộc Công ty CP khai thác và vận tải Cát sạn Thanh Chương).
Liệu có chuyện "găm hàng" đẩy giá?
Sáng 26/11, theo tìm hiểu và thực tế của phóng viên Tuổi trẻ Thủ đô, các điểm mỏ khai thác và bến bãi tập kết (bến thủy nội địa) đều vắng bóng các loại xe tải chở cát, sỏi ra – vào.
Trong vai một người có nhu cầu đi mua cát sỏi, chúng tôi tìm đến một điểm khai thác mỏ tại xã Đồng Văn (thuộc Công ty CP khai thác và vận tải cát sạn Thanh Chương) để nắm bắt thêm về vấn đề này, thì được anh H. và anh T. (chủ điểm mỏ) cho biết, giá cát bán hiện nay dao động từ 50.000 đến 60.000/m3. “Do đợi môi trường (ngành Tài nguyên & Môi trường - PV) họ đóng mốc mỏ nên không khai thác được, chắc vài ba hôm nữa mới có cát để bán”, chủ điểm mỏ này giải thích.
Bến cát dưới chân cầu Rộ, thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương vắng bóng xe tải nhiều ngày qua. |
Một chủ bến thủy nội địa (thuộc Công ty Công ty CP khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương làm chủ đầu tư) cho hay: “Mấy bữa nay không làm do giá cát rẻ quá mà giá dầu lại tăng cao”.
Trao đổi qua điện thoại với PV, ông Nguyễn Đình Định - Giám đốc Công ty CP khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương thông tin, công ty có 3 điểm mỏ được cấp phép khai thác và có 17 bến thủy nội địa. Ông Định nhận định: “Vừa qua, chắc do các cơ quan chức năng như lực lượng Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, đơn vị quản lý đường bộ tổ chức làm rất chặt chẽ nên cũng ít nhiều khiến các phương tiện vận tải e ngại”.
Máy xúc tại nhiều bến nằm im trong nhiều ngày qua |
Khi PV đặt câu hỏi "có hay không tình trạng dừng bán cát lại để tăng giá?", ông Định giải thích: “Giá mỗi khối của chúng tôi bán ra từ 35.000 – 40.000/m3, quá rẻ. Cơ quan chức năng vừa rồi cũng yêu cầu cắm mốc lại vì mỗi lần mưa lụt làm thay đổi dòng, phao. Chúng tôi đã thuê tư vấn về và đã cắm thêm 6 cái phao”, ông Định nói thêm.
Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Vừa rồi UBND huyện đã có quyết định, ra quân đợt cao điểm để truy quét tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Còn đối với các mỏ, bến bãi tập kết đủ điều kiện thì vẫn hoạt động bình thường”.