Hải Phòng thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, tăng trưởng đứng đầu cả nước
|
Sáng 8/12, HĐND TP Hải Phòng đã khai mạc kỳ họp thứ tư, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập và Phó Chủ tịch HĐND thành phố Bùi Đức Quang chủ trì kỳ họp.
Cùng tham dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; các vị đại biểu Quốc hội tại Hải Phòng, các Ủy viên BTV Thành ủy và Phó Chủ tịch UBND TP; đại diện lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.
Quang cảnh kỳ họp HĐND TP Hải Phòng |
Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2021, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố đã thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt mức cao so với bình quân chung của cả nước; Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tiếp tục có sự tăng trưởng cao so với năm 2020; 13/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm; 6/19 chỉ tiêu kinh tế không hoàn thành kế hoạch đề ra nhưng ở mức cao.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Hải Phòng đạt 12,38% so với năm 2020. Mức tăng này tuy không đạt kế hoạch nhưng đứng đầu và gấp hơn 5 lần bình quân chung cả nước (1,5-1,9%) khi so với các thành phố trực thuộc Trung ương như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ có mức tăng trưởng từ âm 6,7% đến 2,9%; Các địa phương khác có tốc độ tăng trưởng như: Quảng Ninh (10,28%), Gia Lai (9,71%), Hải Dương (8,6%), Vĩnh Phúc (8,02%).
Tổng thu ngân sách của thành phố đạt trên 90.400 tỷ đồng, tăng trên 7% so với năm 2020, vượt trên 17% so với dự toán Trung ương giao và vượt dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, riêng thu nội địa đạt 35.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2020; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 54.000 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2020.
Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 18% so với năm 2020, cao hơn năm 2019 là 15%, gấp 4 lần bình quân chung cả nước là 3,6%.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh thành phố năm 2021 tại kỳ họp |
Ngoài ra, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI của thành phố đạt trên 3,1 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với năm 2020; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 25 tỷ USD, tăng trên 23%; Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 150 triệu tấn, tăng trên 7% so với năm 2020, gần bằng kế hoạch năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,2% so với năm 2020, còn 1,34%, đạt kế hoạch năm; Tỷ trọng năng suất các yếu tố tổng hợp vào GRDP đạt kế hoạch năm là 41% .
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng, thành phố đã tập trung cao chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Từ năm 2020 đến nay có trên 1.500 ca dương tính với COVID-19, thuộc nhóm các địa phương có ít số ca dương tính.
Hải Phòng đã tích cực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, đến nay đã hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12 tuổi đến 17 tuổi; Hoàn thành việc lắp đặt hệ thống oxy trung tâm cho tất cả các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện tuyến quận, huyện; Triển khai thành lập 226 trạm y tế lưu động, để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà ở tất cả các phường, xã, thị trấn trên địa bàn.
Cùng với đó, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị và triển khai các dự án như: đã hoàn thành việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai xây dựng đề án thành lập thành phố Thủy Nguyên, trực thuộc thành phố Hải Phòng; Tập trung thi công hoàn thiện chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình; Xây dựng 8 công viên cây xanh trên địa bàn các phường; Hoàn thành cải tạo hè đường tại 6 tuyến đường trung tâm thành phố trước Tết Nguyên đán 2022; Chuẩn bị khởi công dự án cải tạo sông Tam Bạc từ cầu Lạc Long đến cầu Hoàng Văn Thụ…
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch UBND thành phố cũng thẳng thắn đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nổi bật là số lượng khách du lịch đạt trên 3,6 triệu lượt khách, giảm trên 51% so với 2020, bằng trên 44% kế hoạch năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gần 174.000 tỷ đồng, tăng 1,32% so với năm 2020, bằng trên 85% kế hoạch năm.
Việc triển khai, thực hiện một số chủ trương, nghị quyết, nhiệm vụ trọng tâm còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tiến độ GPMB và thi công một số dự án còn chậm; Tình hình khiếu nại, tố cáo về thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng tăng nhanh, đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân…
Trên cơ sở dự báo tình hình, UBND thành phố đề xuất chủ đề năm 2022 của thành phố là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số”. Về danh mục các dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm trong năm 2022, có 30 công trình, trong đó có 5 công trình sẽ khánh thành đưa vào sử dụng và 21 công trình sẽ khởi công trong năm 2022.