Hai bộ nữa ủng hộ cấp phép bay cho hãng hàng không IPP Air Cargo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo mới đây của Bộ Giao thông vận tải, các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo là dự án đầu tư trong nước, không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Đầu tư, dự án đầu tư kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường hàng không của IPP Air Cargo thuộc trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về chủ trương thành lập hãng hàng không mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải có báo cáo cập nhật tình hình phát triển của ngành hàng không, trong đó lưu ý đánh giá thực trạng thị trường vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không, sự phục hồi của ngành hàng không Việt Nam.
Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc Bộ Giao thông vận tải vào thời điểm này đề xuất thành lập doanh nghiệp hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá là phù hợp với Quy hoạch phát triển giao thông vận tải ngành hàng không đã được phê duyệt.
Máy bay IPP Air Cargo đã xuất xưởng |
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu vận tải hàng hoá, trong đó có đường hàng không tăng cao. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, năng lực của các hãng hàng không hiện có chưa đáp ứng được nhu cầu, thị phần vận chuyển hàng hoá thấp.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, việc thành lập một hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hoá sẽ góp phần tăng cường năng lực vận tải hàng hoá bằng đường hàng không của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Trường hợp IPP Air Cargo được Thủ tướng Chính phủ cho phép cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải lưu ý, giám sát đảm bảo mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp theo quy định, tương ứng với số tàu bay khai thác thực tế.
Về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị rà soát, kiểm tra về tình trạng quốc tịch của các cổ đông.
"Trường hợp có cá nhân mang 2 quốc tịch, thì việc lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường và thủ tục đầu tư như quy định đối với nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư", Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Tại thời điểm tháng 3/2022, 4 cổ đông của IPP Air Cargo gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn William Hiếu.
Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an cũng vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ để cho ý kiến về cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.
Bộ Công an cho rằng, Bộ Giao thông vận tải theo thẩm quyền phối hợp với các bộ, ngành chức năng liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá tính chính xác các báo cáo, tài liệu trong hồ sơ đề nghị của IPP Air Cargo; Giám sát quá trình hoạt động cũng như cam kết đảm bảo tính khả thi, hợp pháp và tuân thủ các quy định của pháp luật kinh doanh vận chuyển hàng không.
Cùng với đó, Bộ Công an cũng đề nghị IPP Air Cargo trong quá trình hoạt động, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đảm bảo thực hiện tốt các mặt về an ninh, an toàn hàng không và công tác phòng, chống khủng bố, kế hoạch khẩn nguy theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo, cả Bộ Công thương và Bộ Quốc phòng cũng đều nhận thấy sự cần thiết và đồng ý chủ trương cấp phép cho IPP Air Cargo thực hiện dịch vụ vận tải vận chuyển hàng không, đặc biệt thời điểm thị trường hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị IPP Air Cargo cho biết, hiện công ty đã được 2 nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn thế giới có nhà máy sản xuất tại phía Bắc ký hợp tác bao tiêu vận chuyển. Trong đó, mỗi hãng đăng ký sử dụng hai máy bay chở hàng của công ty.
Lãnh đạo IPP Air Cargo cho biết, nếu được cấp phép bay vào tháng 11 tới, hãng bay này sẽ cất cánh lần đầu tiên tại sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng).
Ngoài những đơn đặt hàng đã có sẵn, IPP Air Cargo sẽ có thêm cơ hội vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Australia sau chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy hải sản Bang Queensland (Australia) Mark Funer tại Việt Nam hôm 24/8 vừa qua.
Theo kế hoạch, năm 2023, sẽ có một chuyến bay chở hàng từ Australia về Việt Nam mỗi tuần thông qua hãng hàng không IPP Air Cargo. Theo đó, chặng bay Đà Nẵng - Queensland sẽ sớm được hãng này đưa vào thác.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cũng cho biết, công ty sẽ phải thuê hoặc mua thêm máy bay để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF. Ngoài ra, đến năm 2024 - 2025, hãng cũng đã đặt mua 10 máy bay B777Freigter thân rộng của Boeing với tổng giá trị 3,5 tỷ USD.
Với đơn hàng thuê máy bay, IPP Air Cargo đã có một chiếc xuất xưởng ngày 25/7 và 2 chiếc tiếp theo sẽ được giao vào tháng 12 năm nay và chiếc thứ 4 giao vào tháng 2/2023.
Mặc dù thuê 4 chiếc và đặt mua 10 máy bay B777 của Boeing, ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho rằng vẫn có thể thiếu tàu bay vận chuyển vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam là rất lớn.