Hà Nội "tiếp sức" cho doanh nghiệp, làng nghề phát triển
Cần bước chuyển mình mạnh mẽ
Hà Nội tự hào là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời, gắn với lịch sử phát triển của Thủ đô và đất nước.
Tuy nhiên, hiện nhiều làng nghề tồn tại nhiều yếu kém cần khắc phục: Mẫu mã sản phẩm ít được đổi mới, sản phẩm làng nghề chưa bắt kịp xu hướng của thị trường và nhu cầu khách hàng. Nhiều làng nghề vẫn làm thị trường theo cung cách cũ là sản xuất và bán cái mình có chứ không phải cái thị trường cần. Công nghệ thiết bị sản xuất thô sơ, lạc hậu.
Các mẫu lọ của Công ty Mây tre đan xuất khẩu Phú Ngọc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) được hỗ trợ thiết kế |
Đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động khi 100% cơ sở làng nghề có chỉ số ô nhiễm vượt chuẩn cho phép. Nhiều nơi ở các làng nghề cơ khí có nồng độ kim loại nặng vượt giới hạn; Nồng độ chất hữu cơ độc rất cao. Nước ngầm ở các khu vực này cũng bị ô nhiễm ở mức khá nghiêm trọng. Môi trường ô nhiễm do sản xuất đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các nước phát triển đối với sản phẩm làng nghề. Tất cả những điều này làm cho làng nghề gặp nhiều bất lợi khi bước vào kỷ nguyên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang đến nhiều cơ hội cho các làng nghề phát triển. Nhờ những nền tảng công nghệ thông tin mà giờ đây, doanh nghiệp có thể dễ dàng tìm kiếm được bạn hàng trên những diễn đàn điện tử; Đồng thời cũng dễ dàng nắm bắt nhu cầu khách hàng dựa trên nền tảng phân tích dự liệu kỹ thuật số toàn cầu.
Do vậy, để hạn chế những thách thức và nắm bắt được cơ hội phát triển, các làng nghề của Hà Nội cần nhận thức rõ thế mạnh và hạn chế của mình trong bối cảnh mới, chủ động thay đổi kịp thời theo xu thế của thời đại. Thực tế, nền sản xuất công nghệ cao với khối lượng ngày càng lớn lại là cơ hội để những sản phẩm thủ công mang tính độc đáo có chỗ đứng đặc biệt trong tâm trí khách hàng.
Đầu tư đổi mới công nghệ
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương Hà Nội), sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện Chương trình khuyến công TP Hà Nội, đến nay đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, chương trình đã tổ chức 274 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 9.590 lao động nông thôn, trên 80% số lao động sau đào tạo có việc làm; Tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu, quản trị bán hàng, quản trị tài chính cho 7.200 lượt lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn… Đáng chú ý, chương trình đã tổ chức thành công 5 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ với giá trị giao dịch lên tới gần 30 triệu USD…
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất gốm (Ảnh minh họa) |
Nhờ triển khai hiệu quả nhiều cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại các làng nghề Hà Nội đã mạnh dạn đổi mới công nghệ. Điển hình tại làng nghề gốm Kim Lan (huyện Gia Lâm) đã có sự thay đổi rõ rệt. Môi trường làng nghề trong lành hơn, không còn nồng nặc mùi than do các gia đình đốt lò để nung gốm; Lượng xỉ than thải ra từ những lò nung cũng giảm hẳn.
Hay như tại xã Vân Hà (huyện Ðông Anh) có hơn 80% số hộ dân làm nghề gỗ, trước đây, hầu hết các hộ đều sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất thấp, cần nhiều nhân lực. Trước tình trạng này, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, thương mại tổng hợp, dịch vụ làng nghề Vân Hà đầu tư máy công nghệ cao điêu khắc tượng gỗ tự động. Với máy móc mới, chỉ cần bấm nút, máy sẽ tự động đục tất cả các chi tiết của sản phẩm, vừa giúp giảm nhân lực vừa tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm, hạ giá thành, tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các chuyên gia cho rằng, trong giai đoạn mới, Chương trình khuyến công cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, miền, giúp gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Để tiếp tục hỗ trợ, "tiếp sức" cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn từng bước đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển, trong năm 2020, Hà Nội tổ chức triển khai Kế hoạch số 29/KH-UBND về khuyến công TP Hà Nội năm 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức các lớp truyền nghề, nhân cấy nghề tiểu thủ công nghiệp; Tổ chức hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng trang thiết bị tiên tiến hiện đại vào sản xuất; Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020; Tổ chức Hội chợ quốc tế hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020; Tổ chức triển lãm các sản phẩm mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo năm 2020; Tổ chức khảo sát các đề án khuyến công thành phố năm 2020; Triển khai nội dung hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ….
Giai đoạn 2021 - 2025, TP Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công; Tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn; Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 5 - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025...
Bên cạnh đó, chương trình phấn đấu hỗ trợ 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; Đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng; Phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất... Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thu hút sự tham gia của 100 - 120 doanh nghiệp với khoảng 150 - 180 sản phẩm được UBND thành phố công nhận.
Để đạt được mục tiêu đó, theo ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc truyền nghề sẽ gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ của các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn; Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thiết kế sáng tạo, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.
Cùng với đó, trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, tổ chức quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu sản phẩm; Phát triển hệ thống thương mại điện tử, truy xuất thông tin hàng hóa, phát triển các kênh bán hàng trực tuyến các sản phẩm công nghiệp nông thôn; Đồng thời ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp có đầu tư công nghệ, có sản phẩm thân thiện với môi trường.