Hà Nội: Thanh tra 100 đơn vị nợ BHXH trên 6 tháng
Nội dung thanh tra tập trung vào tình hình sử dụng lao động, số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị, doanh nghiệp
Bài liên quan
BHXH Hà Nội ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 197 cơ sở y tế
Tăng mới 15.244 người tham gia BHXH tự nguyện trong hai tháng đầu năm
Hà Nội phấn đấu 100% đơn vị thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử
Thanh tra phát hiện nhiều tồn tại tại Công ty TNHH Friesland Campina Hà Nam
Thực hiện Kế hoạch công tác thanh tra năm 2019 của Thanh tra TP Hà Nội và Quy chế phối hợp giữa các sở, ngành về bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, Thanh tra thành phố chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thanh tra 100 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trên 6 tháng.
Đoàn thanh tra gồm có 4 tổ công tác là cán bộ từ các cơ quan của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố, BHXH thành phố. Mỗi tổ công tác thực hiện thanh tra tại 25 đơn vị, thời gian thanh tra mỗi đơn vị là 2 ngày.
Phát biểu tại buổi công bố Quyết định Thanh tra, ông Nguyễn Hữu Lộc, Trưởng phòng Thanh tra 4, Thanh tra thành phố, cho biết: Mục đích của việc thanh tra là đánh giá việc thu, trích nộp BHXH, BHYT, BHTN; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị nợ đọng; kiến nghị các giải pháp khắc phục và xử lý số tiền nợ đọng. Thời kỳ thanh tra là từ ngày 1/1/2018 đến hết thời điểm thanh tra.
Nội dung thanh tra tập trung vào tình hình sử dụng lao động, số lao động chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN; số nợ; tình hình chốt và trả sổ BHXH cho người lao động. Các đơn vị phải xuất trình hồ sơ đối chiếu thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN trong thời kỳ thanh tra; bảng thanh toán tiền lương, bảng chấm công, sổ quản lý nhân sự; bảng kê thu nhập chịu thuế và thuế thu nhập cá nhân; sổ BHXH, hồ sơ của người lao động…
Thông qua đợt thanh tra, đại diện Thanh tra thành phố cũng đã phổ biến rõ đến đại diện các doanh nghiệp về quyền và nghĩa vụ của Đoàn thanh tra. Các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo Luật Thanh tra về việc giải trình, cung cấp tài liệu, khiếu nại. Trường hợp các đơn vị được thanh tra tự giác chấp hành nộp đầy đủ số tiền nợ BHXH, BHYT thì đoàn thanh tra tiếp nhận hồ sơ và báo cáo người ra quyết định Đoàn thanh tra xem xét, giải quyết, có Quyết định dừng thanh tra tại đơn vị.
Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội, các doanh nghiệp có tên trong danh sách thanh tra đợt này có số nợ kéo dài trên 6 tháng, sử dụng số lượng lao động khá lớn, gây hậu quả nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. BHXH Thành phố cũng như các sở ngành liên quan đã nhận được nhiều phản ánh của người lao động vì bức xúc trước việc quyền lợi bị xâm phạm. Với sự phối hợp vào cuộc giữa Thanh tra thành phố, BHXH thành phố và các các sở ngành, đợt thanh tra chuyên ngành này được hy vọng sẽ là giải pháp hiệu quả đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động tại các doanh nghiệp nêu trên.