Hà Nội sẽ gương mẫu, đi đầu để tạo ra những sản phẩm văn hóa mới
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng theo dõi phim phóng sự về các hoạt động nổi bật của ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội trong năm 2024. Theo đó, từ đầu năm tới nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã chủ động tham mưu, quyết liệt triển khai toàn diện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Gia đình và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác tham mưu thể chế, chính sách đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của thành phố; Chương trình số 06 của Thành ủy; Phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động văn hóa cơ sở gắn với 2 Quy tắc ứng xử của thành phố tiếp tục có hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thay mặt lãnh đạo UBND thành phố chúc mừng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội |
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn thành phố được thực hiện tốt, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy; Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, đầu tư tu bổ các di tích.
Đặc biệt trong năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc thành phố tham mưu tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong Nhân dân. Sở cũng được thành phố giao trực tiếp chủ trì 18 nhiệm vụ, trong đó có 2 sự kiện quan trọng nhất là Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; công tác phối hợp triển khai chặt chẽ, đồng bộ, trách nhiệm, đoàn kết giữa các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, nên các sự kiện đều diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người dân Thủ đô, tạo dấu ấn mạnh mẽ với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế Thủ đô Hà Nội là thành phố Hòa bình, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị nhân văn cao đẹp.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại hội nghị |
Về công tác tham mưu, thể chế chính sách: Sở đã hoàn thành tham mưu 4 Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Thành phố. Đặc biệt, đã tham mưu Điều 21 và nhiều nội dung quan trọng về lĩnh vực văn hóa của Luật Thủ đô (sửa đổi) và Kế hoạch số 225 của UBND thành phố về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Có thể khẳng định đây là kim chỉ nam đề ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội; xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước; xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.
Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và thể thao được tổ chức sâu rộng, trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua đó tạo được không khí, cảm hứng cho hoạt động chung của thành phố, từng bước góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 09 của Thành ủy về Phát triển Công nghiệp Văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045, thu hút doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Năm 2024, Hà Nội đã tổ chức 3.021 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao; trong đó, nhiều chương trình lớn, thu hút đông đảo Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế Chương trình Chào năm mới Countdown, Lễ hội Ánh sáng, các hoạt động chạy Marathon quốc tế, Chương trình Âm nhạc mùa thu, Lễ hội thiết kế sáng tạo, Lễ hội văn hóa ẩm thực, Giao lưu âm nhạc quốc tế, Giọng hát hay Hà Nội mở rộng. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ – Văn hóa đọc, Cuộc thi sáng tác tranh cổ động và Logo kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Liên hoan nghệ thuật quần chúng, Giải chạy báo Hà Nội Mới, giải Bơi chải thuyền rồng, Ngày hội thể thao người cao tuổi… Trong đó điểm nhấn là Ngày hội văn hóa vì hòa bình và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba cho ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội. |
Đối với công tác quản lý di sản văn hóa phi vật thể, đã tham mưu UBND thành phố trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 9 hồ sơ khoa học đưa vào Danh mục di sản phi vật thể quốc gia gồm: Phở Hà Nội, Nghề làm xôi Phú Thượng, Nghề làm trà sen Quảng An, Lễ hội chùa Thầy, Lễ hội đình Tường Phiêu, Nghề may Trạch Xá, Hội hai làng Văn Giang – Nam Dương, Hội diều làng Bá Dương Nội, Lễ hội làng Keo…
Ngành văn hóa và thể thao Hà Nội cũng triển khai dịch vụ mới tại các di sản nổi tiếng của Hà Nội như tour đêm tại các di tích, địa điểm văn hóa lịch sử: di tích nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Bảo tàng Hà Nội; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, đương đại, trò chơi dân gian. Các hoạt động giáo dục truyền thống đã thu hút lượng lớn khách trong nước, quốc tế đến thăm và trải nghiệm.
Tính đến đến tháng 12/2024, thành phố đón gần 3,4 triệu lượt khách (trong đó du khách quốc tế gần 2 triệu lượt), tham mưu các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội tổ chức đón tiếp hơn 50 đoàn ngoại giao quốc tế đến tham quan…
Để Hà Nội luôn xứng đáng với vị thế của Thủ đô
Ghi nhận những thành tích đã đạt được của ngành Văn hóa và Thể thao Thủ đô trong năm 2024, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng hưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân; Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho 9 tập thể và 13 cá nhân có thành tích trong triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Thu Hà Phó Chủ tịch UBND thành phố đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành Văn hóa và Thể thao trong năm qua khi đã đạt được các chỉ tiêu đề ra.
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, với vai trò, vị thế của mình, ngành văn hóa và thể thao cần tập trung giải quyết những vấn đề cần quan tâm như: Thay đổi các tiếp cận để triển khai các hoạt động,trong đó cần tổ chức các hoạt động mang tính định hướng, dẫn dắt để lan tỏa, tạo chuyển biến tích cực trong các hoạt động văn hóa và thể thao, giảm dần các sự kiện có quy mô lớn, hiệu quả chưa cao, đi sâu vào hoạt động văn hóa cơ sở.
Cùng với đó, Sở cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về văn hóa; tập trung xây dựng các Đề án liên doanh, liên kết theo tinh thần Nghị quyết 28 của HĐND thành phố. Các đơn vị sự nghiệp, các Nhà hát cần triển khai sớm việc thực hiện gắn với việc phát triển công nghiệp văn hóa; Nâng tầm các sự kiện thể thao do Hà Nội tổ chức; quan tâm tới công tác quản trị của Sở; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng…để xây dựng người Hà Nội Thanh lịch, Văn minh, Sáng tạo và Chuyên nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Đỗ Đình Hồng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định trong thời gian tới, Hà Nội sẽ gương mẫu, đi đầu để tạo ra những sản phẩm văn hóa mới và sẽ cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố thành các chương trình, kế hoạch cụ thể để Hà Nội luôn xứng đáng với vị thế của Thủ đô.
Để tập trung giải quyết các nhiệm vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và gia đình, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, đồng chí Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở đã giải đáp những kiến nghị đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã liên quan đến lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; lĩnh vực quản lý văn hóa và dịch vụ văn hóa; lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và thể dục thể thao.