Tự hào nhìn lại về tiến trình lịch sử 70 năm kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô, khẳng định tầm vóc, giá trị của những dấu mốc quan trọng, Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu, từ đó hướng tới những tầm nhìn mới, khát vọng mới, xây dựng Thủ đô bản sắc, hiện đại và hội nhập, cùng cả nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trong chiến tranh, bạn bè quốc tế gọi chúng ta là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người". Sau quá trình phát triển, Hà Nội đã trở thành một đô thị lớn bậc nhất, trung tâm về mọi mặt của đất nước và được vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” xứng tầm khu vực và trên thế giới.
Sáng 10/10/1954, cả Hà Nội rực rỡ cờ hoa, tràn ngập niềm vui, chào đón lớp lớp đoàn quân giải phóng từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô, viết nên bản hùng ca trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô.
Dù 70 năm trôi qua nhưng vào những ngày tháng 10 lịch sử, người dân Hà Nội, nhất là những người trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa, những người vinh dự trong Đại đoàn quân Tiên phong trở về tiếp quản Thủ đô và cả những người được chứng kiến giờ phút thiêng liêng ấy lại trào dâng nhiều xúc cảm.
Bà Dương Thị Vịn - nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nội chia sẻ: Chống Mỹ cứu nước đã trở thành khát vọng của thanh niên lúc bấy giờ. Đoàn viên thanh niên nô nức viên đơn ra trận, trong đó có những lá đơn được viết bằng máu để bày tỏ lòng quyết tâm.
Ngày ấy phong trào "Ba sẵn sàng" thực sự là lí tưởng, lẽ sống, là danh dự với thanh niên Thủ đô. Là Đảng viên trẻ, bà Vịn cũng hăng hái tham gia vào việc rèn luyện, vai đeo ba lô có bỏ thêm những viên gạch, hô vang khẩu hiệu bày tỏ quyết tâm cống hiến vì miền Nam ruột thịt.
Không khí lên đường ra trận vô cùng hào hứng, khí thế. Mọi thành phần trong xã hội đều náo nức tham gia. Có những nhà tu cởi áo tu hành, có những bạn trẻ từ bỏ giấy trúng tuyển học tập tại nước ngoài, có những thanh niên chưa đủ tuổi cũng trốn nhà hành quân. Bản thân bà Vịn cũng từ bỏ cơ hội học tập tại nước ngoài để lựa chọn lên đường đánh Mỹ.
Giống như bà Vịn, nhớ về những tháng ngày lịch sử, đến giờ nhà báo Phùng Huy Thịnh - Chủ tịch Hội Sinh viên chiến sĩ 6971 vẫn vẹn nguyên khí thế sục sôi, đầy tự hào. Ngày ấy, hòa trong không khí hăng hái lên đường, ngày 6/9/1971, gần 4.000 sinh viên và cán bộ giảng dạy của 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp toàn miền Bắc “xếp bút nghiên lên đường ra trận” theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bản thân nhà báo Phùng Huy Thịnh cũng khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong đại đội trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 lên bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, trở thành một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại Sư đoàn.
"Chúng tôi những người sinh viên Thủ đô đã mang sức sống của phong trào Ba sẵn sàng của Hà Nội lan tỏa đi khắp cả nước. Chúng tôi đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng", nhà báo Phùng Huy Thịnh tự hào.
Nhớ về những ngày tháng lịch sử năm ấy, PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội bày tỏ: “Khi nghe kể lại về những ngày ra chiến trường, tôi rất xúc động vì đã từng sống trong thời chiến tranh. Tôi mãi mãi biết ơn những năm tháng ấy, những con người thời kỳ ấy, họ vượt qua thử thách. Tôi nhìn họ, sống và đến giờ vẫn thấy tự hào”.
Điểm lại thành tựu của Thủ đô trong lịch sử, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; bị tổn thương mất mát rất nhiều nhưng Thủ đô đã vươn lên, vượt qua đau thương mất mát để luôn luôn xứng đáng với vị trí, vai trò trái tim của cả nước, trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, kinh tế…
PGS.TS Phạm Quang Long - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội | Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học |
Ngày nay, Hà Nội đang phát triển lớn mạnh; chưa khi nào thành phố có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Gần đây nhất, bão Yagi gây ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội. Những hình ảnh từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, tới các đoàn viên thanh niên trong phòng chống bão là tấm gương sống, tiếp bước tinh thần “Ba sẵn sàng” năm xưa.
Bản hùng ca ngày chiến thắng trở về là mốc son để người Hà Nội trân trọng và tự hào với quá khứ, tiếp thêm bản lĩnh, niềm tin để xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.
Ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền Hà Nội đã lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng ổn định tình hình, bắt tay vào khôi phục và cải tạo thành phố. Chỉ một năm sau, Hà Nội đã hoàn thành cải cách ruộng đất, một nhiệm vụ chiến lược cơ bản của cách mạng dân tộc dân chủ.
Đất nước thống nhất, Hà Nội là một công trường lớn, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân. Đặc biệt, quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, Thành ủy Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, từ ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Việc mở rộng địa giới hành chính là thay đổi quan trọng, mang tầm vóc mới, cơ hội mới và diện mạo mới cho Thủ đô. 16 năm qua, Thủ đô Hà Nội tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận,” đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước.
Kể từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến nay, qua 70 năm xây dựng và phát triển, từ một đô thị nhỏ bé, nghèo nàn, có diện tích khoảng 152km2 và 43 vạn dân, nay Hà Nội đã trở thành một đô thị rộng lớn gấp gần 22 lần và dân số gấp hơn 23 lần.
Hà Nội ngày nay với cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Mỗi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào khi Thủ đô Hà Nội đang là thành phố lớn thứ 17 trên thế giới.
Hà Nội chiếm 8,1% về dân số cả nước; trong đó có 51,7% dân số trẻ và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73,2%. Cùng với đó, Hà Nội là địa phương có cộng đồng doanh nghiệp lớn thứ hai cả nước, nơi đặt trụ sở chính của hầu hết các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, ngân hàng và trung tâm tài chính lớn nhất cả nước. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo gắn với công nghệ số.
Trong những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng được thành phố tập trung chú trọng. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt với tỷ lệ diện tích phủ kín đạt khoảng 90%. Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật hiện đại…
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, sau 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, bước vào thời kỳ đổi mới, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện, đạt được nhiều thành tựu trên mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội.
Đến nay, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.300 USD, gấp hơn 130 lần so với năm 1954. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 55 tỷ USD, đóng góp 16% GDP và 19% tổng thu ngân sách của cả nước. Các giá trị văn hóa được phát huy, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng vươn lên của mỗi người dân Thủ đô. Bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hà Nội được quốc tế vinh danh và công nhận là "Thành phố Vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo".
Thủ đô Hà Nội an ninh, an toàn, tràn sức sống có sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong, ngoài nước và các nhà đầu tư quốc tế. Những năm qua, thành phố đã tăng cường liên kết với các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; cùng với quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hà Nội tham gia với trách nhiệm cao và đảm nhiệm những cương vị quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế lớn, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô, của đất nước trên trường quốc tế.
Ngoài ra, Hà Nội đã đầu tư, bảo tồn, tôn tạo trên 5.000 di tích lịch sử. Lĩnh vực giáo dục đứng đầu cả nước. Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, thành phố.
Đặc biệt, ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị TP Hà Nội trong tương lai…
Đồng thời, cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia. Nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.
Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, hoàn thành các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, Thủ đô Hà Nội giữ vai trò là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Định hướng phát triển của Hà Nội sẽ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa... là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tạo vận hội mới cho Thủ đô, góp phần hiện thực hoá tầm nhìn phát triển thành phố trong kỷ nguyên mới.
Qua chặng đường phát triển sau 70 năm Giải phóng Thủ đô oai hùng, tự hào, Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân Thủ đô có thêm động lực để cùng vượt qua mọi thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ đó, tạo không khí phấn khởi để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng những chiến công, thành tích đã đạt được; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân, giá trị của hòa bình và phát triển. Chúng ta tự hào vì có Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Càng thêm vững tin với sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước; vững tin vào sức mạnh từ cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là ý chí và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau”.
(Còn nữa)
Thực hiện: Trí Nhân - Nguyễn Anh |
|