Hà Nội nỗ lực xoá bỏ các "điểm đen" về ùn tắc giao thông
Nỗ lực xử lý các điểm ùn tắc giao thông
Nhằm xử lý 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông trong năm 2023, trong quý II/2023, Sở Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục phối hợp với Công an thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, đánh giá các phương án tổ chức giao thông tại các trục tuyến đường, nút giao trọng yếu.
Cụ thể, các trục đường Vành đai 2, Thụy Khuê (khu vực ngõ 128, 152 Thụy Khuê), Âu Cơ - Xuân Diệu, Chu Văn An - Vạn Phúc, Nguyễn Xiển, cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3.
Các nút giao Lãng Yên - đê Nguyễn Khoái; Khu vực cống Trung Văn; Lê Trọng Tấn - Quang Trung - Văn Khê; Cổ Linh - Đàm Quang Trung; Phạm Hùng - Nguyễn Hoàng - Tôn Thất Thuyết; Trường Chinh - Tôn Thất Tùng - Lê Trọng Tấn.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục theo dõi, đánh giá các trục tuyến đường, nút giao khác để đề xuất các phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, giảm ùn tắc giao thông.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông |
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tổ chức giao thông phục vụ thi công, bảo đảm tiến độ thi công các dự án trọng điểm như: Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; Dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá; Dự án xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch;
Dự án cải tạo, mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long từ cầu vượt Phú Đô đến Lê Trọng Tấn; Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Đông giai đoạn II; Dự án xây dựng hầm chui nút giao Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng...
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 37 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Trong đó, 17 điểm do rào chắn thi công các dự án gây thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng giao thông.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị chức năng liên quan đã xử lý được 3/37 điểm ùn tắc, gồm: Nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Nút giao Đại La - Trần Đại Nghĩa; Ngã Tư Vọng.
Triển khai đồng loạt các nhóm giải pháp trọng tâm
Theo quy hoạch phát triển Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để bảo đảm giao thông, tỷ lệ diện tích đất cho giao thông phải đạt từ 20%-26%; Diện tích đất cho giao thông tĩnh đạt 3-4%, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng phải đạt được từ 50-55%.
Tuy nhiên, hiện tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị của Thủ đô mới đạt được khoảng 10,07%; Diện tích đất cho giao thông tĩnh mới được <1%; Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó hằng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm.
Ngoài ra, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín như Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 3 cũ, Quốc lộ 1 cũ, Quốc lộ 21B; Thiếu các cầu qua sông Hồng (cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên...) để tăng tính kết nối.
Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm, tai nạn giao thông, cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Ngoài ra, quá trình tổ chức thi công các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc.
Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, chưa có thói quen tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Ảnh minh họa |
Để giảm ùn tắc, thành phố đang triển khai 6 nhóm giải pháp trọng tâm. Giải pháp quan trọng đầu tiên là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch. Trong đó, TP tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai, ưu tiên triển khai Vành đai 4; Các tuyến trục chính hướng tâm như quốc lộ 1, quốc lộ 6; Các tuyến đường có tính kết nối như Nguyễn Tam Trinh, Lĩnh Nam, các cầu qua sông để tăng tính kết nối giao thông giữa các khu vực, đây là giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.
Cùng với đó, Hà Nội tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông khoa học, hợp lý phát huy tối đa năng lực hệ thống giao thông hiện có.
TP phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tiếp tục đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, chú trọng đưa chương trình giáo dục về an toàn giao thông vào trong hệ thống giáo dục ngay từ các cấp học đầu tiên; Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Đối với các điểm ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm, Hà Nội đã tổ chức rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột giao thông để bố trí các lực lượng chốt trực hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc; Thường xuyên rà soát các bất cập của tổ chức giao thông, nghiên cứu tổ chức giao thông hợp lý, hạn chế xung đột (bao gồm: Điều chỉnh chu kỳ đèn, điều chỉnh hạ tầng nút giao, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút, xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành cho các phương tiện; Xén mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục, giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút).