Hà Nội mong muốn tháo gỡ vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc buổi làm việc
Bài liên quan
Nông thôn mới Hà Nội tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”
Công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đi vào chiều sâu, bền vững
Dự buổi làm việc, về phía Bộ NN&PTNT có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT.
Về phía TP Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý; Đại diện các Sở, ban, ngành thành phố.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực quan trọng với cả nước. Hà Nội dù là đô thị phát triển nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung. Toàn TP hiện có 58% diện tích đất nông nghiệp, 17 huyện 1 thị xã và 6 quận vẫn còn sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, đặc biệt là nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội đã có những chỉ đạo rất tích cực toàn diện nhằm phát triển nông nghiệp, đặc biệt với Chương trình 02 Ctr/TU đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới.
Trong quý I/2020, trước tác động của dịch Covid-19, ngành Nông nghiệp của thành phố tăng trưởng âm nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt nên trong quý II đã tăng trưởng trở lại hơn 3,7%, trong 6 tháng có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm 2019. Quy mô đàn lợn đang được khôi phục, nỗ lực tổng đàn bằng trước dịch. Các sản phẩm OCOP được triển khai hiệu quả, phấn đấu đạt 1.000 sản phẩm trong nhiệm kỳ này.
Hà Nội cũng là địa phương có số xã đạt Nông thôn mới dẫn đầu cả nước với 353 xã. Dự kiến cuối năm nay, thành phố sẽ có trên 96% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đạt 55 triệu đồng/người/năm.
Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, tiềm năng nông nghiệp của Hà Nội còn rất lớn. Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế còn nhiều như: Hiệu quả sử dụng đất chưa cao, năng suất lao động còn thấp, đóng góp của khu vực nông nghiệp vào GRDP của thành phố thấp…
Rất nhiều câu hỏi cũng được đặt ra trong bối cảnh hiện nay như tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Thủ đô ra sao? Làm thế nào để thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp nông thôn? Tiêu chí xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao ra sao để tạo được dấu ấn, đặc trưng riêng của Hà Nội?
“Đặc biệt, vấn đề xây dựng Nông thôn mới gắn với đô thị hóa như thế nào là một câu hỏi rất lớn. Muốn giải quyết được không chỉ ở phạm vi thành phố mà rất cần có sự hướng dẫn, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, trực tiếp là Bộ NN&PTNT”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng thông tin, một nội dung nhiệm vụ rất quan trọng đang được thành phố tập trung là rà soát điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Thủ đô. Đồng thời, phủ kín các quy hoạch theo quy hoạch tổng thể Thủ đô hiện có mà Thủ tướng đã phê duyệt đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Nhất là những vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng, phủ kín các quy hoạch về sông Hồng cũng như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đuống… Khi phủ kín được quy hoạch sông Hồng thì sử dụng các nguồn tài nguyên các bãi ven sông như thế nào? Một số công trình, dự án mà thành phố hiện rất muốn đẩy nhanh tiến độ để thiết thực chào hội Đại hội Đảng toàn quốc cũng như Đại hội Đảng XVII thành phố, đó là các tuyến đường cải tạo mà có liên quan đến vấn đề thoát lũ…
“Trong cuộc họp hôm nay, ngoài các vấn đề cấp bách trước mắt, thành phố muốn xin ý kiến và sự quan tâm lãnh đạo của Bộ NN&PTNT, có các chủ trương cụ thể, thời hạn cụ thể, cách thức cụ thể để giúp thành phố tháo gỡ được vấn đề quy hoạch hai bờ sông Hồng.
Bởi muốn quy hoạch được hai bờ sông Hồng cũng như quy hoạch dọc hai bờ các con sông khác thì vấn đề thoát lũ là vấn đề quan trọng nhất. Thành phố mong muốn với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ NN&PTNT sớm có chủ trương để thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó, thành phố có thể triển khai được các bước tiếp theo là xây dựng các quy hoạch”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Nhấn mạnh vấn đề quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để sử dụng hiệu quả các bãi ven sông phát triển nông nghiệp, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn Bộ NN&PTNT có chủ trương, cách thức thẩm định, trình Thủ tướng để TP có thể triển khai các bước tiếp theo trong vấn đề quy hoạch. “Hà Nội đã xác định tầm nhìn tới 2030 - 2045 trong vấn đề quy hoạch, phát triển nguồn lực”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh
Tiếp tục cập nhật...