Hà Nội: Hiện thực hóa mục tiêu “Thành phố không đốt rơm rạ” vào năm 2021
Đã từng “lỗi hẹn” với mục tiêu “Thành phố không đốt rơm rạ” trong năm 2020, Chỉ thị cấm đốt rơm rạ mới chắc chắn sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố vì một Hà Nội xanh, sạch, đẹp và môi trường sống trong lành cho người dân cùng du khách.
Lộ trình cho mục tiêu không đốt rơm rạ từ ngày 1/1/2021
Theo Chỉ thị số 15CT/-UBND ngày 18/9/2020, trước ngày 30/9/2020, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, các tổ dân phố, thôn, xóm, bản làng về chủ trương của thành phố trong việc thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác theo quy định; Đồng thời đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân đốt và giải pháp nhằm kiểm soát tốt công tác quản lý rác thải và rơm rạ, phụ phẩm cây trồng trên địa bàn quản lý.
Trước ngày 31/12/2020, thực hiện các biện pháp hỗ trợ để người dân không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau khi thu hoạch và chuyển sang các giải pháp xử lý khác thân thiện với môi trường và bảo đảm sức khỏe cộng đồng, chấm dứt hoàn toàn tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng.
Khói rơm rạ là một trong những nguyên nhân khiến không khí bị ô nhiễm |
Chỉ thị cũng nêu rõ, thành phố đặt mục tiêu, từ ngày 1/1/2021, 100% rơm rạ và phụ phẩm cây trồng phát sinh được thu gom, tái sử dụng hoặc xử lý bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật môi trường; Không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải rắn thải sinh hoạt không đúng quy định trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ đốt rơm rạ đã giảm rõ rệt. Cụ thể, huyện Mê Linh còn 30% lượng rơm rạ đốt trên đồng ruộng, các huyện Phúc Thọ còn 25%, Quốc Oai 20%, Đông Anh còn khoảng 20%... Mặc dù tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố đã giảm nhưng vẫn tái diễn theo mùa vụ.
Việc đốt rơm rạ đã trở thành thói quen cố hữu của nhiều nông dân ngoại thành. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp.
Cần giúp nông dân thấy được lợi ích của rơm rạ
Trên thực tế, vấn đề đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra trong nhiều năm và thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế tiến tới loại bỏ việc đốt rơm rạ. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, UBND thành phố và các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ 40% kinh phí để người dân mua chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu (phủ rơm lên mặt luống khoai); Hội Nông dân các cấp triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ...
Khi rơm rạ là nguồn lợi, sẽ không ai đốt bỏ |
Tại huyện Đông Anh, từ năm 2016 đến năm 2020, người dân đã triển khai dự án thu gom rơm rạ sản xuất nấm; Xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học... với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, các hộ sản xuất nấm trên địa bàn huyện chỉ thu gom được 4 - 5% lượng rơm phát sinh hằng năm.
Tại huyện Ba Vì, lượng rơm rạ được các hộ chăn nuôi gia súc thu gom để ủ men làm thức ăn cho vật nuôi chiếm khoảng 50%, sản xuất nấm rơm 2%... Huyện Đan Phượng hỗ trợ nông dân chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ làm phân bón đạt khoảng 55%. Tại các địa phương khác như Thạch Thất, Quốc Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn... lượng rơm sử dụng vào mục đích hữu ích rất ít, phần lớn bị bỏ lại trên đồng ruộng, kênh mương nội đồng.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, các chương trình, dự án hạn chế đốt rơm rạ được triển khai thời gian qua ở các địa phương mới chỉ dừng ở thí điểm mô hình, chưa thể nhân đại trà nên lượng rơm rạ tái sử dụng không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Trường, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì đề xuất, thành phố cần có chính sách hỗ trợ các địa phương mua máy cuộn rơm; Tạo cơ chế, chính sách mời gọi doanh nghiệp sản xuất giấy, viên đốt công nghiệp... để thu mua rơm rạ cho nông dân. Chỉ khi rơm rạ trở thành sản phẩm hữu ích, người dân sẽ không đốt rơm rạ trên đồng ruộng nữa.
Tại hội thảo chia sẻ đánh giá hiện trạng và kết quả của thành phố trong việc hạn chế đốt rơm rạ diễn ra cuối tháng 7 vừa qua, PGS. TS Hoàng Anh Lê, Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội, đã đưa ra các giải pháp mới đang trong quá trình nghiên cứu nhằm hạn chế đốt rơm rạ như làm các viên nhiên liệu sinh học, sử dụng phối trộn với các vật liệu khác để làm vật liệu mới, vật liệu thay thế...
"Trong tương lai, nếu được triển khai thì đây là một trong những giải pháp để hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước", PSG. TS Hoàng Anh Lê cho biết.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho hay, trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ; Phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ...
Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, điều quan trọng nhất để xóa bỏ việc đốt rơm rạ chính là làm thay đổi nhận thức của nông dân. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân về sự hữu ích của rơm rạ cùng tác hại của việc đốt rơm rạ để mỗi người hành động vì môi trường chung.